Trở lại Việt Nam sau gần 10 năm, hôm qua, Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche đã ban gia trì quán đỉnh Phật Dược Sư theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa và hướng dẫn thực hành pháp tu đặc biệt. Đồng thời, ông cũng trao hơn 400 phần quà cho người khiếm thị và khiếm thính tại địa phương.

Nhiếp chính vương Drukpa Thuksey Rinpoche ban gia trì, tặng vòng tay đá thạch anh trắng cho người khiếm thị tại chùa Thiên Quang, ngày 16/2. Ảnh: Thái Anh
Nhiếp chính vương bày tỏ sự hoan hỉ với việc sư cô Thích Nữ Hương Nhũ, trụ trì chùa Thiên Quang đã tạo dựng và duy trì đạo tràng gần 500 người khiếm thính và khiếm thị tại chùa. Ông chia sẻ, hình ảnh những người bị khiếm khuyết một phần thân thể nhưng nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt họ chính là bài học cho những người lành lặn.
"Nếu không bằng lòng với những điều đang có, ta sẽ không bao giờ thoả mãn với bất cứ thứ gì ta sẽ có và ta không bao giờ có thể đón nhận sự an lạc, hạnh phúc chân thật", ông nói.
Trong ngày 17/2, Nhiếp chính vương cử hành Pháp hội Quán đỉnh gia trì Phật Quan Âm, cầu nguyện quốc thái dân an, cùng khóa lễ triệu thỉnh Kim cương hộ pháp khiển trừ chướng ngại, cầu an cho các Phật tử, người dân có phúc duyên tham dự.

Những người dự lễ xúc động lắng nghe nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn cúng dâng lên Nhiếp Chính vương Drukpa tại chùa Thiên Quang trong sáng 17/2.
Trước đó, tại chùa Quan Âm Tu viện (TP HCM) trong hai ngày 12-13/2, Nhiếp chính vương đã cử hành Đại lễ cầu siêu quán đỉnh Jangwa theo truyền thống Kim Cương thừa, cầu siêu cho các hương linh chiến sĩ và nạn nhân của đại dịch Covid-19.
Qua lời giảng, Nhiếp chính vương giúp mỗi người hiểu đúng và sâu sắc hơn về ý nghĩa pháp tu Hoàng Thần Tài - Zambala - chủ về phước báo tài bảo. Theo đó, khi con người mong cầu sự thịnh vượng cần song hành thực hiện nhiều thiện hạnh, tích lũy công đức. Việc rèn luyện tâm là điều rất quan trọng, dù giàu có mà tâm luôn bất an thì cũng không có ý nghĩa...
Pháp hội cầu an đầu xuân 2023 của Nhiếp chính vương Drukpa kéo dài từ 12-19/2 tại TP HCM, Bình Dương, tiếp nối của chuyến hoằng pháp của Pháp vương Gyalwang Drukpa tại các tỉnh miền Bắc vừa kết thúc vào ngày 10/2.

Nhiếp chính vương tại lễ cầu siêu ở Quan Âm Tu viện. Ảnh: Thái Anh
Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần một nghìn năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan... Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.
Nhiếp chính vương Drukpa Thuksey Rinpoche sinh năm 1986 tại vùng Ladakh - Ấn Độ, là Pháp tử (ngôi vị kế thừa tâm linh) của Pháp Vương Gyalwang Drukpa, lãnh đạo Truyền thừa Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa.
Nhiếp chính vương hiện trụ trì nhiều tự viện lớn tại Ấn Độ và phụ trách hệ thống trung tâm Phật pháp của truyền thừa Drukpa tại châu Âu. Ông cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch Trường Druk White Lotus tại Ladakh, ngôi trường đạt nhiều giải thưởng kiến trúc, và dẫn dắt Phong trào YDA (Young Drukpa Association) kết nối và truyền cảm hứng tới giới trẻ qua nhiều thiện hạnh như bảo vệ môi trường, cứu trợ động vật...
Thái Anh