Ngày 23/11, trên trang cá nhân, Trần Mạn cho biết những ngày qua, cô nghiêm túc đọc các bình luận về tác phẩm của mình, tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của khán giả. Nhiếp ảnh gia 41 tuổi viết: "Tôi phản tỉnh sâu sắc, tự trách vì sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết của mình. Tôi xin lỗi mọi người".
Trần Mạn giải thích khoảng 10 năm trước, quan điểm nghệ thuật của cô chưa chín chắn, vì thế những tác phẩm giai đoạn đó chưa đủ tầm vóc, còn nhiều thiếu sót. Cô đã gỡ mọi bức ảnh bị phê bình, chỉ trích, tránh làm người khác tổn thương.
Nhiếp ảnh gia viết hiện cô ý thức rõ trách nhiệm ghi lại và truyền tải nét đẹp văn hóa quê hương. Cô sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức để sáng tạo, kể những câu chuyện về Trung Quốc qua ảnh.
Trần Mạn hứng chịu làn sóng chỉ trích từ 12/11, khi nhà mốt Dior đăng trên Weibo bức ảnh Ngạo mạn và rụt rè mà cô chụp cho hãng năm 2012 đồng thời cho biết tác phẩm sẽ được triển lãm tại Thượng Hải. Tấm hình chụp người mẫu mắt nhỏ, trợn ngược, mặt tàn nhang, môi và mắt đen, móng tay, kiểu tóc lấy cảm hứng thời nhà Thanh. Hàng trăm nghìn khán giả chê ảnh xấu, ma quái, bôi xấu hình ảnh phụ nữ Trung Quốc.
Sau đó, nhiều người tìm lại các ảnh cũ của Trần Mạn, cho rằng cô còn hơn 10 tác phẩm "bôi nhọ phụ nữ", như bức ảnh Đội viên thiếu tiên và đập Tam Hiệp (2008) hay bộ 12 bức ảnh Trung Quốc thập nhị sắc (2012).
Trần Mạn sinh năm 1980 tại Bắc Kinh, là tên tuổi hàng đầu trong giới nghệ thuật thị giác Trung Quốc. Cô hợp tác với nhiều thương hiệu và nghệ sĩ quốc tế, từng tổ chức triển lãm tại Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Tây Ban Nha, Italy... Tờ New York Times từng gọi Trần Mạn là "người tiên phong của nhiếp ảnh Trung Quốc".
Nghinh Xuân