Thứ sáu, 24/1/2025
Thứ hai, 25/1/2016, 09:31 (GMT+7)

Nhiếp ảnh gia Pháp và 40.000 bức ảnh về dân tộc thiểu số Việt Nam

Rehahn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Pháp chào năm mới bằng cuốn sách ảnh thứ hai về Việt Nam, nhằm giới thiệu vẻ đẹp văn hoá dân tộc thiểu số và thiên thiên đất nước Đông Nam Á với thế giới.

Sau khi cuốn sách ảnh đầu tay về Việt Nam, xuất bản tháng 1/2014, bán được 4.000 bản tới 29 nước, Rehahn tháng trước xuất bản sách ảnh thứ hai mang tên Vietnam - Mosaic of Contrast II (tạm dịch: Việt Nam - Những mảnh ghép đối lập II). Sách tập hợp 150 bức ảnh, chủ yếu chụp các dân tộc thiểu số và phong cảnh Việt Nam. Người đàn ông 36 tuổi quốc tịch Pháp này hiện sống cùng gia đình ở Hội An, từ lâu đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai. 

Trao đổi với VnExpress, nhiếp ảnh gia cho biết kể từ khi sống tại Việt Nam trong 4 năm nay, anh đã rong ruổi bằng xe máy đi khắp hơn 35 thành phố, 100 làng bản, gặp gỡ và chụp hình gần 40 dân tộc thiểu số. Số thành phố anh đã đi ở Việt Nam còn nhiều hơn so với ở nước Pháp quê hương anh. Trong ảnh là một phụ nữ dân tộc Dao Đỏ mặc trang phục truyền thống. 

Tự giới thiệu bản thân, Rehahn nói bằng tiếng Việt rằng anh là "người Phốp, nói giọng Quảng Nôm và biết đi xe độp". Cách pha trò dí dỏm khiến những người mới gặp anh thích thú, phá tan tảng băng khoảng cách giữa những người xa lạ. 

"Loại hình nhiếp ảnh của tôi đòi hỏi nhiều thời gian để tương tác, trò chuyện với họ. Đó mới là nhiếp ảnh du lịch đích thực. Tôi không chụp ảnh đường phố hay lấy "trộm" những bức ảnh từ mọi người bằng cách lén chụp họ từ đằng xa", anh nói. Trong ảnh là bé gái H'Mông ở Bắc Hà. 

Càng đi và gặp gỡ các dân tộc, Rehahn càng nhận thấy sự mai một đáng báo động về nghề dệt trang phục truyền thống của dân tộc ít người. Trong ảnh, anh chụp bà Lù Thị Phụng, 73 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ cách huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khoảng 30 km, được cho là người duy nhất còn biết dệt trang phục truyền thống của dân tộc Bố Y. 

Cách đây vài năm, đến với Mai Châu, anh còn thấy người Thái trắng trong bộ đồ dân tộc, nhưng bây giờ anh chẳng còn thấy ai mặc. Theo Rehahn, Việt Nam có hơn 50 dân tộc, nhưng chỉ có 10 dân tộc còn mặc trang phục truyền thống hàng ngày. "Với đà này, chỉ 5 - 10 năm nữa, những trang phục truyền thống đẹp đẽ sẽ mất đi, và người ta chỉ còn thấy chúng trong bảo tàng", Rehahn nói, giọng chùng xuống.

Người đàn ông Pháp hỏi người dân cách làm nên trang phục, khuyến khích họ đừng từ bỏ văn hoá dù không mặc chúng mỗi ngày, bởi anh hiểu họ có nhiều lựa chọn rẻ hơn, tiện dụng hơn. Để lưu giữ, nâng cao nhận thức và quảng bá di sản văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam, anh mua những trang phục truyền thống cũng như các phụ kiện để mang đi tham dự các triển lãm. 

"Tôi chỉ mua trang phục nếu chắc chắn họ vẫn còn làm ra chúng, để họ có thể trang trải cuộc sống và điều này cũng khuyến khích họ tiếp tục làm thêm. Khi họ thấy ai đó thích thú với nền văn hoá của họ, họ sẽ vui và tự hào", Rehahn chia sẻ. Ảnh chụp người dân tộc Thái đen làm ruộng ở Điện Biên Phủ. 

Với trang mạng xã hội Facebook thu hút hơn 300.000 lượt theo dõi từ khắp nơi trên thế giới, Rehahn hàng ngày cố gắng đăng tải ít nhất một bức ảnh về Việt Nam, mỗi bức thu hút hàng nghìn lượt "yêu thích". Những bức ảnh tâm đắc còn được anh mang đi dự các triển lãm quốc tế ở Cuba, Pháp, Malaysia, Ấn Độ. Anh cũng mở một gallery ảnh riêng ở Hội An. Ảnh chụp bé Kim Luân, dân tộc M'Nông, cùng voi ở Buôn Ma Thuột.  

Với kiến thức thực tế thu thập được từ hành trình bằng xe máy tới những lộ trình nhiều khi không có trên bản đồ, Rehahn có thể liệt kê vanh vách những dân tộc thiểu số của Việt Nam, mà nghe đến tên, không phải người Việt nào cũng biết tới, như Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Dao Mán, Phù Lá, Sán Chéo. Ảnh chụp người phụ nữ Hrê ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. 

Chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh, Rehahn cho biết mọi người thường tạo dáng gượng gạo trong lần chụp đầu tiên. Chụp xong bức đầu, anh cho họ xem ảnh trong máy, và khi họ bật cười thích thú là lúc anh chớp lấy ngay khoảnh khắc tự nhiên nhất. "Ở Việt Nam, nụ cười là chìa khoá mở mọi cánh cửa", anh cho hay.

Cụ bà dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhìn những bức ảnh Rehahn chụp, ít ai biết anh học ngành marketing và in ấn, chưa bao giờ được đào tạo qua trường lớp về nhiếp ảnh. Rehahn học chụp ảnh bằng cách thực hành. 

Người phụ nữ Dao Đỏ trong căn bếp ở Lào Cai. Trong kho tàng khoảng 60.000 bức ảnh về Việt Nam, Rehahn có khoảng 40.000 bức về người dân tộc. 

Rehahn đến nay đã thu thập được 15 trang phục truyền thống. Người đàn ông say mê với dân tộc thiểu số Việt Nam dự định mang những bức ảnh tâm đắc cùng các bộ trang phục đi dự triển lãm ở Normandy, Pháp, vào tháng 9 tới, một sự kiện dự kiến thu hút 200.000 lượt khách tham quan.

Hành trình chụp người dân tộc của nhiếp ảnh gia Pháp
 
 

Sau khi chụp ảnh người dân tộc, Rehahn thường đem in và tặng lại cho chính chủ thể, như một cách để đáp lại thịnh tình của họ và "nối một vòng tròn khép kín". 

Trọng Giáp (Ảnh: Rehahn)