Kể từ khi ra đời năm 1950 tới nay, giải đua Công thức 1 (Formula One) không chỉ là cuộc thi thố về tốc độ mà còn là sân khấu để tập đoàn lớn trên thế giới xe trình diễn những công nghệ tiên tiến nhất của ngành công nghiệp ôtô.
Đầu vòi bơm nhiên liệu cho xe F1. |
Nhiên liệu dùng cho động cơ xe F1 được cung cấp miễn phí từ các tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Ví như Shell là hãng độc quyền cung cấp toàn bộ nhiên liệu, dầu nhớt cho Ferrari. Nhằm tránh một cuộc chạy đua "vũ trang" có thể dẫn đến tình trạng cá lớn nuốt cá bé mà sự phá sản của đội đua Arrow đầu những năm 90 là ví dụ điển hình, bên cạnh những thay đổi trong tiêu chuẩn về xe cộ hay động cơ, Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) cũng rất quan tâm tới chất lượng và thành phần nhiên liệu. Do vậy, mức độ tương đồng giữa nhiên liệu của F1 và nhiên liệu thông thường ngày càng được thu hẹp.
Cuối những năm 1970, các đội đua thường sử dụng xăng có chỉ số Octan từ 101 đến 102 bán trên thị trường châu Âu. Nhưng khi loại xăng này không được bán nữa thì sự khác biệt giữa xăng trong F1 và xăng thương mại ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà cung cấp khi đó được phép chế tạo những loại xăng đặc biệt dành cho đội đua của mình.
Đến những năm 1980, giới hạn về chỉ số Octan 102 vẫn được tiếp tục áp dụng. Tuy nhiên sau đó người ta phải đưa thêm điều khoản về thành phần ôxy và nitơ (nhỏ hơn 2% khối lượng). Tiếp đến là các giới hạn về áp suất hơi, nồng độ benzen và nồng độ chì.
Đội Williams chuẩn bị bơm nhiên liệu. |
Năm 1992, FIA nhận thấy nếu xăng dùng cho xe F1 lại chứa những thành phần “đặc biệt” so với xăng thương mại khiến nó tách rời quá xa khỏi cuộc sống, khán giả sẽ mất dần sự quan tâm đến môn thể thao tốc độ nhất thế giới này.
*Cấu tạo xe đua F1 |
*Lốp cho xe đua F1 |
*Khí động học của xe đua F1 |
Vì lẽ đó, từ năm 2000, FIA quyết định mọi loại xăng cung cấp cho xe F1 phải thoả mãn các điều kiện về chất lượng và chỉ tiêu kỹ thuật của Uỷ ban châu Âu. Một trong số đó là quy định xăng F1 không được chứa những hợp chất không tìm thấy trong xăng thương mại. Trước khi tiến hành cuộc đua, các nhà cung cấp phải gửi mẫu nhiên liệu đến phòng thí nghiệm của FIA tại Anh. Ở đó, các chuyên gia phân tích sử dụng máy sắc ký khí ghi lại thành phần của xăng thông qua các “đỉnh”. Chỉ cần một đỉnh nào đó không trùng với mẫu so sánh (xăng thương mại tại châu Âu), FIA sẽ không chứng nhận và đội đua sẽ buộc phải làm khán giả bất đắc dĩ.
Quy định về thành phần định tính (các loại chất) là không thể thay đổi, do đó các nhà cung cấp phải tập trung nghiên cứu xác định thành phần định lượng (khối lượng của từng chất) tối ưu để tạo nên nhiên liệu có hiệu suất cháy tối đa. Tỷ lệ về các hợp chất trong xăng luôn được giữ bí mật và được điều chỉnh tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình, thời tiết của từng đường đua. Thông thường, những thông số đó được thiết lập trước khi cuộc đua diễn ra một vài ngày, nhưng do tính biến động cao của thời tiết nên nhà cung cấp phải dự trữ rất nhiều tình huống để có thể thích nghi kịp thời.
Đội Toyota tiếp nhiên liệu khi xe về pit. |
Theo quy định của FIA, bình xăng còn phải đặt trước động cơ và sau người lái, mọi đường dẫn nhiên liệu phải trang bị hệ thống tự ngắt khi xảy ra tai nạn và không một dây dẫn nào được phép đi qua khoang lái. Mỗi chặng đua, các nhà cung cấp dự trữ khoảng 3.000 lít nhiên liệu và luôn giữ chúng ở nhiệt độ 10 độ C. Bình chứa nhiên liệu được thiết kế đặc biệt sao cho các vách chứa bên trong có khả năng giãn nở tuỳ theo lượng xăng trong bình, nhằm giữ cố định một khoảng không. Đó là lý do mà trong cuộc đua, quan sát các nhân viên kỹ thuật bơm xăng, giữa bình nhiên liệu và ống dẫn kín khít với nhau không có đường thoát khí nhưng nhiên liệu vẫn bơm được vào bình với tốc độ rất nhanh (lên đến 11 lít/giây).
Nhờ những quy định mang tính thực tiễn cao của FIA mà F1 vẫn luôn là sân chơi công nghệ cho các hãng xe danh tiếng. Không ít những ứng dụng trong xe hơi dân dụng được lấy từ thành quả của các đội đua F1. Và cách mà những chiếc xe tăng tốc chóng mặt bằng nhiên liệu không khác nhiên liệu thông thường đã thực sự làm người xem F1 “say như điếu đổ”.
Trọng Nghiệp