Người gửi: Nguyễn Mạnh Cường
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ dân
Philippines chỉ co 59 lính ở Iraq, chỉ một chuyến máy bay là về được hết. Quân đội Philippines có mặt tại Iraq là việc làm bất hợp pháp, không có ủy quyền của Liên Hiệp Quốc hay lời đề nghị của một chính phủ hợp pháp tại Iraq. An ninh ở Iraq thì bất ổn, lợi lộc của Philippines từ Iraq chẳng có gì. Chính vì vậy Philippines đã quyết định rút quân của mình về nước vào tháng 8 khi nhóm này hết hạn phục vụ. Việc ở lại thêm một tháng nữa cho một công việc không quan trọng mà bỏ rơi công dân của mình thì liệu người dân Philippines nghĩ gì về chính phủ của mình? Mỹ đã không đảm bảo được an ninh cho các đồng minh của mình ở Iraq thì làm sao có thể trách việc Philipines lui quân? Hơn nữa, với số quân ít ỏi và đã quyết định rút từ trước, Philipines không sợ bị Mỹ trừng phạt vì tội đáp ứng yêu cầu của nhóm bắt cóc.
Việc Philippines rút quân có thể gây sức ép lên chính phủ các nước khác có công dân bị bắt cóc. Việc đó cũng có thể làm gia tăng số vụ bắt cóc tại Iraq nhằm đòi các nước rút quân. Nhưng việc yêu cầu quân đội nước ngoài rút quân của người dân đất nước bị chiếm đóng là hoàn toàn chính đáng. Chính vì lý do chính đáng đó nên yêu cầu đó mới gây sức ép lên chính phủ liên quan. Còn các yêu cầu về kinh tế (không chính đáng), thả tù binh (phụ thuộc vào Mỹ chứ không tự quyết được) sẽ không gây sức ép được. Vậy nên đừng lo lắng về việc bắt cóc đòi chính phủ trả tiền chuộc.
Chiến tranh ngày nay không chỉ có bom đạn mà còn có cả thông tin. Một người nước ngoài bị giết ở Iraq sẽ là một tan nạn đã xảy ra, không thể thay đổi nên chỉ có vài dòng tin trên một vài tờ báo. Một con tin bị đe dọa giết lại gây chú ý rất lớn với thế giới. Có thể cứu mà không cứu sẽ đổ trách nhiệm về cái chết của con tin nên đầu những người có trách nhiệm. Hơn nữa, cách hành hình truyền thống của người Arab là chặt đầu lại bị coi là dã man đối với phần còn lại của thế giới nên sự việc càng được chú ý hơn đối với dư luận. Các con tin bị giết tại Iraq là những người không may mắn kẹt ở giữa phe chiếm đóng và chống chiếm đóng tại Iraq, cả hai phía đều ký vào bản án tử hình của con tin, phe bắt cóc là kẻ thi hành. Vậy thì nên chia đều trách nhiệm mới phải chứ.
Nhiều bạn kết tội những kẻ bắt cóc là dã man, khát máu... nhưng theo tôi việc giết người vô tội là việc bất đắc dĩ của họ. Bằng chứng là những con tin của các nước không tham chiến ở Iraq như Nga, Pháp, Trung Quốc... đều được thả sau khi xác minh rõ quốc tịch. Ngay cả lính chiến đấu của Mỹ, chỉ cần là đạo Hồi và một lời hứa không quay lại Iraq là cũng được tha. Họ cũng không muốn giết những con tin khác, những người đã bị giết, nhưng họ vẫn buộc phải làm vậy vì đó là một trong các vũ khí của họ chống lại quân chiếm đóng. Tại sao tôi nói vậy? Hãy nhớ lại vụ các con tin của Nhật bị đe dọa thiêu sống. Họ được thả vì họ vô tội trong cuộc chiến, vì họ đến Iraq để giúp người Iraq. Khi họ bị đe doạ, người Nhật biểu tình đòi chính phủ rút quân. Khi họ được thả, chẳng ai ca ngợi lòng nhân đạo của những kẻ bắt cóc mà quay sang khen ngợi chính phủ Nhật giải quyết tốt vấn đề con tin. Sẽ ra sao với chính phủ Nhật nếu ba con tin đó bị chặt đầu hay thiêu sống? Nếu bạn là người ủng hộ cuộc kháng chiến chống chiếm đóng của nhân dân Iraq thì bạn nên coi cái chết của các con tin là sự hy sinh cho độc lập và tự do của những người đã hành quyết họ. Về trách nhiệm của Mỹ và các nước đồng minh có quân đội tại Iraq, liệu họ có tự vấn mình bằng câu "Ta không giết người, nhưng người vì ta mà chết" không?
Ý kiến của tôi có thể là khó chấp nhận với nhiều bạn, xin các bạn cứ bày tỏ ý kiến của mình để chúng ta có thể xem xét vấn đề ở nhiều mặt khác nhau.
Cám ơn ban Thế giới đã cho tôi trình bày ý kiến của mình.
Mạnh Cường