Theo quyết định ký ngày 13/6, lĩnh vực công tác của tân Phó thủ tướng Lê Thành Long là theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, cải cách tư pháp, đặc xá, khiếu kiện quốc tế, phối hợp công tác giữa Chính phủ với TAND Tối cao và VKSND Tối cao.
Ông cũng đảm nhiệm một phần công việc Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đang phụ trách như giáo dục đào tạo và dạy nghề; lao động việc làm và các vấn đề xã hội; văn hóa, du lịch; thể dục, thể thao; y tế, dân số, gia đình và trẻ em.
Ông Long có nhiệm vụ chỉ đạo các Bộ Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế. Ngoài ra, ông kiêm giữ chức Bộ trưởng Tư pháp đến khi kiện toàn chức danh này.
Tân Phó thủ tướng cũng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và một số nhiệm vụ khác.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái không thay đổi nhiệm vụ so với hiện nay. Ông theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực khối kinh tế tổng hợp gồm kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Ông Khái cũng phụ trách chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, dự trữ ngoại hối; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Ông phụ trách việc phát triển các loại hình doanh nghiệp; kinh tế tập thể, hợp tác xã; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, ông Khái còn chỉ đạo về thương mại - xuất nhập khẩu, dự trữ và cung ứng nguồn cung xăng dầu, dịch vụ logistics; cơ chế, chính sách chung về quản lý tài sản công.
Ông chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh. Ông phụ trách lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm; chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; các khu kinh tế, công nghiệp, chế xuất; các công trình trọng điểm quốc gia; đấu thầu.
Ông Hà chỉ đạo các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM.
Trừ lĩnh vực tư pháp chuyển sang cho ông Long, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực ngoại giao và quan hệ đối ngoại; hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi; viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.
Ông cũng chỉ đạo các vấn đề liên quan hội nhập quốc tế; đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương; cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực; công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam; các vấn đề về nhân quyền.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục giải quyết các công việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; thi đua khen thưởng; đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lậu thương mại; nông nghiệp; phòng chống lụt bão, khoa học công nghệ; thông tin truyền thông.
Ông Quang chỉ đạo các Bộ Ngoại giao, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 hiện có 27 thành viên.