Hôm 16/1, tiến sĩ Natkaphat Rattanapithun, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Ký sinh trùng, chủ tịch Trung tâm Y tế FMC ở tỉnh Nakhon Ratchasima, xác nhận trường hợp nhiễm sán dây bò thường gặp ở những người ăn món gỏi bò sống, còn gọi là "Soi Ju" ở Thái Lan.
Trường hợp này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và cả chuyên trang y tế "Lab Panda", như một lời nhắc nhở về rủi ro sức khỏe liên quan đến việc ăn các món thịt sống. Các chuyên gia đưa ra cảnh báo sức khỏe khi số ca nhiễm ký sinh trùng do ăn thịt sống ngày càng tăng ở Thái Lan.
"Sán dây có thể phát triển mạnh trong ruột non. Nhiễm trùng nhẹ đôi khi không có triệu chứng, nhưng nhiễm trùng nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn ống mật, đầu hơi, buồn nôn và nôn mửa", ông Natkaphat giải thích, thêm rằng trong trường hợp nghiêm trọng, ký sinh trùng có thể chui qua miệng, mũi hoặc hậu môn, dài gần 1 m.
Ký sinh trùng, còn gọi là "cysticercus", bắt nguồn từ những nang nhỏ, màu trắng, nằm trong thịt bò hoặc thịt lợn sống. Khi ăn phải, những nang này sống sót qua quá trình tiêu hóa của dạ dày, cho phép sán dây bám vào thành ruột non và phát triển thành ký sinh trùng trưởng thành. Sán dây bò có thể dài 5-10 m, trong khi sán dây lợn thường dài 2-4 m.
Các lựa chọn điều trị bao gồm nội soi loại bỏ ký sinh trùng hoặc uống thuốc tẩy giun sán. Nếu uống thuốc, người bệnh cần khám sức khỏe trước, do thuốc có tác dụng phụ tiềm ẩn. Tiến sĩ Natkaphat khuyến cáo mọi người không nên tự điều trị, cần kiểm tra ký sinh trùng hàng năm, đặc biệt nếu có sở thích ăn thịt bò sống.
"Dù một số người thích vị gỏi bò, cho rằng chúng ngon hơn, chúng tôi vẫn khuyến nghị bạn nên ăn chín uống sôi. Nếu vẫn thích ăn thịt bò sống, bạn nên kiểm tra ký sinh trùng thường xuyên và đến bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng bất thường, thay vì tự điều trị", ông Natkaphat nói.
Các triệu chứng phổ biến của nhiễm sán dây bao gồm: đầy hơi và khó tiêu, chán ăn, buồn nôn và nôn, thiếu máu và tiêu chảy.
Thục Linh (Theo Nation Thailand)