Gần đây, bệnh nhân ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, bỗng xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân, khám tại nhiều cơ sở y tế, được chỉ định theo dõi đột quỵ, viêm màng não mủ, sảng rượu.
Sau đó, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn. Hiện, người bệnh được điều trị tích cực.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có một ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, toàn thành phố mới có một ca mắc liên cầu lợn.
Liên cầu lợn do khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra, là bệnh lây truyền từ động vật sang người, tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí lớn và để lại biến chứng không phục hồi.
Nguyên nhân mắc bệnh là ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, như tiết canh, nem chua, nem chạo... Thậm chí, ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.
Bệnh gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Thời gian ủ bệnh có thể vài giờ đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Phác đồ điều trị là thuốc kháng sinh, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%. Bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh. Người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc cần có biện pháp bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang.
Lê Nga