Trước đó, ông đã đi khám da liễu và uống thuốc theo đơn 3 đợt nhưng bệnh vẫn tái phát. Tại Bệnh viện Đa khoa Melatec, hình ảnh siêu âm ổ bụng và chụp cộng hưởng từ phát hiện nhiều tổn thương dạng nốt kích thước dưới 2 cm, nằm rải rác ngoại vi của gan. Đồng thời, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu tăng cao và dương tính giun đũa chó. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ấu trùng giun đũa chó, thể ấu trùng di chuyển nội tạng.
Ông cho biết gia đình nuôi chó nhiều năm nay, thường xuyên chơi và cho thú cưng ngủ cùng. Tuy nhiên, bệnh nhân không tẩy giun định kỳ cho vật nuôi và thường xuyên làm vườn mà không sử dụng găng tay bảo hộ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoại, Khoa Khám bệnh, cho biết khi vật nuôi bị nhiễm giun đũa, trứng sẽ phát triển rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân của động vật. Đặc biệt, hậu môn của chó/mèo cũng là nơi chứa trứng giun. Khi chúng liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt hay mặt người, vô tình sẽ phát tán trứng. Hoặc, trong quá trình sinh hoạt, chăm sóc vật nuôi, người dân không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết khi làm vườn cũng là nguồn lây nhiễm bệnh.
Ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người, do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây ra. Khi trứng xâm nhập cơ thể người, chúng di chuyển đến ruột, sau đó thoát vỏ thành ấu trùng xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan, trong đó nguy hiểm nhất là gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, não.
Nếu người dân thấy xuất hiện các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn; đau đầu; đau bụng; ho; rối loạn giấc ngủ; thay đổi hành vi (thèm ăn, lo lắng, bất an...), cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh.
Mọi người cần vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm bệnh. Rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Vệ sinh sạch sẽ khu vui chơi của trẻ em.
Lê Nga