Người này vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, các xét nghiệm chẩn đoán bị nhiễm độc do cu li cắn. Hình ảnh con cu li được gửi tới các chuyên gia về động vật, cho thấy thuộc giống Nycticebus, họ cu li Lorisidae, bộ linh trưởng (Primate).
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, ngày 2/12 cho biết cu li là sinh vật được nhiều người ở Việt Nam nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, loài này đã được đưa vào Sách đỏ và bị cấm nuôi nhốt, buôn bán.
Việt Nam có hai loài là cu li lớn Nycticebus coucang và cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Chúng thường sống ở rừng xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh. Loài này thường kiếm ăn ban đêm với thức ăn chủ yếu là côn trùng, bọ cánh cứng, nhựa cây đóng cục.
Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước. Nọc độc phủ trên da, trên lông giúp bảo vệ nó khỏi các con côn trùng và sinh vật bên ngoài tấn công. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc tiết ra kết hợp với nước bọt và gây nhiễm độc thông qua vết cắn tự vệ.
Biểu hiện nhiễm độc sau khi bị cu li cắn gồm đau buốt nghiêm trọng, tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi khó chịu toàn thân, rối loạn đông máu. Một số trường hợp có biểu hiện dị ứng, thậm chí phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Vết cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm, gây nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân thận trọng khi tiếp xúc với các sinh vật trong tự nhiên, cần phải biết các nguy cơ mà động vật có thể mang tới, bao gồm các bệnh lây truyền. Cần phân biệt rõ động vật nào có thể được nuôi, khi nuôi phải được kiểm dịch và tiêm phòng bệnh đầy đủ.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có người nhiễm độc do con cu li cắn.