Là vị "tư lệnh" ngành cuối cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, sáng nay, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình dành gần 3 giờ trả lời 20 câu hỏi của các đại biểu. Nội dung chất vấn xoay quanh thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp; biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tố; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, việc kháng nghị các bản án đã nêu... Một số vụ án còn kéo dài cũng được các đại biểu chất vấn.
Trước băn khoăn của đại biểu Đỗ Thị Hoàng "vì sao nhiều tội phạm kinh tế và tham nhũng được hưởng án treo", Viện trưởng Bình thừa nhận, một số tội phạm kinh tế và tham nhũng được nhận hình phạt tù treo đã gây hoài nghi các cơ quan tố tụng không có quyết tâm chống tiêu cực. Đưa ra số liệu thống kê trong năm 2012 số tội phạm loại này được hưởng án treo là 30%, người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết việc tuyên án thực hiện đúng quy định.
Theo ông Bình, số tội phạm kinh tế, tham nhũng được hưởng án treo đang có xu hưởng giảm dần trong 3 năm gần đây. Năm 2010-2011 là 36-37%.
Để làm rõ cho phần trả lời của ông Bình, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, nghi can trong án tham nhũng cơ quan điều tra lớn là người có chức vụ quyền hạn, thủ đoạn khá tinh vi. Nhiều vụ án phát hiện chậm nên cơ quan điều tra gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ.
"Thời gian điều tra thì có nhưng thời gian để giám định, xác định các thiệt hại trong án kinh tế lại không. Nhiều cơ quan giám định có biểu hiện né tránh", đại tướng Trần Đại Quang nói.
Được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời thêm, Bộ trưởng Công an cho biết, một số vụ án được chuyển từ trung ương về địa phương xét xử, do thời gian có hạn nên những người tham gia chưa đọc kỹ hồ sơ, khiến khi ra tòa bị cáo phản cung. Điều này khiến quá trình tranh tụng gặp không ít khó khăn, có những vụ phải trả lại hồ sơ để điều tra.
Viện trưởng VKSND Tối cao bổ sung, trong các vụ án hình sự chỉ có 21% luật sư tham gia và một nửa là chỉ định. Năng lực của luật sư chỉ định còn hạn chế nên chất lượng tranh tụng chưa cao.
Trong sáng nay, người đứng đầu ngành kiểm sát cũng trả lời các câu hỏi về việc giám sát các bản án tuyên không rõ, xử lý đơn giám đốc thẩm và tái thẩm cũng như các tiêu cực trong ngành. "Giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là cấp xét xử nhưng lại nhận được quá nhiều đơn dẫn đến quá tải, tạo áp lực cho cơ quan tối cao. Do đó, chỉ những vụ nào thật đặc biệt chúng tôi mới làm. Ở một số nước, cả năm chỉ nhận được vài chục đơn nhưng ở ta thì có tới cả chục nghìn", ông Bình nói.
Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi đến khi nào những vụ án tồn đọng, kéo dài như kỳ án vườn mít, ba thanh niên phạm tội hiếp dâm ở Hà Đông. Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao nói đây là vụ án cụ thể, do không đủ thời gian sẽ trả lời sau.
"Tôi hứa đầu tuần tới sẽ tổ chức buổi họp liên ngành trong đó có cả Bộ Công an lẫn công an địa phương để đánh giá lại trước khi phiên phúc thẩm diễn ra", ông Bình khẳng định.
Việc chậm tiêm thuốc độc cho tử tù dẫn đến nhiều áp lực cho cán bộ quản lý trại giam lẫn phạm nhân đã trở thành chủ đề nóng tại phiên chất vấn. Hiện cả nước có gần 600 người bị kết án tử hình nhưng chưa thể tiêm thuốc độc. Một số tử tù phải chờ đợi nhiều năm đã quá căng thẳng phải viết đơn xin được thi hành án sớm.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, trước mắt ngành vẫn tăng cường giám sát tránh trường hợp vượt ngục hay tự sát. Còn về lâu dài, Viện sẽ đề nghị Quốc hội xem xét sửa Luật thi hành án tử hình để sao cho tồn tại song song 2 hình thức: xử bắn và tiêm thuốc độc.
Hiện 5 cơ sở thi hành án tử hình ở 5 khu vực sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 27/6. Khó khăn trong nguồn nhập thuốc nên Bộ Công an, Bộ Y tế cùng một số ngành liên quan đã thống nhất dùng thuốc sản xuất trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: "Buổi thảo luận sáng nay phong phú và sôi nổi. Từ điều tra đến thực hiện quyền công tố, xét xử, giám sát và thi hành án đều được trả lời rõ ràng và cụ thể". Tuy nhiên, người đứng đầu Quốc hội cho rằng công tác phòng chống tội phạm, điều tra truy tố xét xử còn hạn chế, tiến độ giải quyết nhiều vụ án, trong đó kinh tế và tham nhũng còn kéo dài.
Theo ông Hùng, thời gian tới, VKSND Tối cao cần thực hành tốt chức năng công tố và giám sát để tránh bỏ lọt tội phạm, không oan sai cho người vô tội, kiểm soát tiêu cực trong ngành.
Hà Anh