Về phần thi tốt nghiệp THPT, năm nay học sinh trên cả nước được áp dụng cách tính mới là ngoài điểm làm bài thi còn tính cả điểm trung bình năm học lớp 12 vào. Theo đó những học sinh có điểm trung bình năm học cuối cấp cao sẽ có lợi thế hơn. Với những môn thi vừa có phần tự luận vừa có phần trắc nghiệm thì thí sinh sẽ được cán bộ coi thi phát phần trắc nghiệm làm trước, sau khi hết giờ cán bộ thu bài mới phát tiếp đề thi của phần tự luận.
Năm nay học sinh được chọn môn thi tốt nghiệp nên tất cả các hội đồng thi đều có 8 môn thi. Để đảm bảo tính công bằng khách quan trong kỳ thi, hội đồng sẽ sắp xếp thí sinh thi mỗi môn ở một phòng khác nhau, ngày giờ thi cũng khác nhau. Vì thế Sở Giáo dục yêu cầu các trường phải nhắc nhở thí sinh và phụ huynh đặc biệt lưu ý vấn đề này để không xảy ra tình trạng đi nhầm buổi, thi nhầm môn hay nhầm phòng thi.
Thời gian làm bài thi năm nay cũng được rút gọn. Với môn Toán và Văn chỉ làm bài trong 120 phút thay vì 180 phút như những năm trước. Ở các môn trắc nghiệm cũng rút từ 90 xuống còn 60 phút.
Việc xem xét cho các thí sinh được miễn thi tốt nghiệp trong năm nay cũng được nới rộng hơn khi học sinh khuyết tật cũng được miễn thi như thí sinh khiếm thị. Các trường được yêu cầu xét duyệt hồ sơ chặt chẽ hơn để tránh xảy ra tình trạng sai sót.
Còn với các học sinh tự do, kết quả bảo lưu điểm tốt nghiệp những năm trước đó (thí sinh sẽ chọn ra 4 môn để tính) sau khi cộng với điểm trung bình của lớp 12 mà đủ điểm đậu tốt nghiệp thì được miễn thi. Tuy nhiên, người nào muốn cải thiện xếp loại bằng tốt nghiệp vẫn có thể đăng ký thi. Riêng đối với hệ giáo dục thường xuyên từ năm 2006 trở về trước thì chỉ lấy điểm thi để xét, không cộng điểm trung bình lớp 12 vào.
Học sinh tự do sẽ nộp hồ sơ dự thi vào các trường cũ mà mình đã học. Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở giáo dục TP HCM yêu cầu các trường phải cử người đứng ra nhận hồ sơ cho những em này, đồng thời phải phổ biến, tư vấn những điểm mới của kỳ thi năm nay tới học sinh cũ của mình để các em nắm bắt được.
Đối với tuyển sinh vào lớp 10, năm nay, TP HCM có hơn 103.000 chỉ tiêu, với hơn 80% học sinh sẽ được nhận vào các trường công lập. Việc tổ chức thi tuyển ở tất cả 24 quận huyện, bỏ hình thức xét tuyển ở 9 quận huyện trước đó đã làm. Với các trường ngoài công lập thì không tổ chức thi tuyển mà chỉ tổ chức xét tuyển. Các trường phải ưu tiên nhận học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn. Nếu học sinh học THCS ở các tỉnh thành khác sẽ tham gia thi tốt nghiệp ở các trường đã học, sau khi trúng tuyển nếu muốn chuyển trường về TP HCM thì liên hệ trực tiếp lên Sở Giáo dục để thực hiện chuyển trường vào đầu tháng 8.
Học sinh có 3 nguyện vọng vào các trường học, sau khi đã có kết quả thi không được đổi nguyện vọng này sang các trường khác. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 9 dù có hay không có hộ khẩu ở TP HCM đều có quyền được thi vào lớp 10 ở các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Đối với học sinh vào lớp 6, sẽ được các trường tổ chức xét tuyển từ ngày 16/6 và hạn chót đến ngày 15/7 sẽ có kết quả.
Còn với học sinh vào lớp 1, UBND TP HCM đã có công văn yêu cầu các trường phải huy động 100% trẻ 5 tuổi vào lớp 1. Sở Giáo dục cũng yêu cầu các trường không được nhận sớm tuổi, trái tuyển. Thời gian tuyển sinh 1/7-31/7, không được tuyển sinh trước thời gian quy định, không nhất thiết phải có giấy chứng nhận mầm non 5 tuổi mới được nhận...
Dặn dò hiệu trưởng các trường trước kỳ tuyển sinh, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM yêu cầu các trường phải tư vấn cho học sinh chọn môn thi tốt nghiệp, song không được ép học sinh chọn môn thi để chạy theo thành tích. Cần phải hướng dẫn học sinh nắm kỹ các điểm mới của kỳ thi. Đặc biệt không được kết hợp tuyển sinh với việc vận động đóng góp của phụ huynh để tạo ra công bằng trong mùa tuyển sinh năm nay.
Nguyễn Loan