Với nhện thợ dệt quả cầu (Philoponella prominens) đực, việc thoát thân nhanh chóng sau khi giao phối là vấn đề sinh tử. Chiến lược thoát thân kỳ lạ của chúng được mô tả trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Current Biology hôm 25/4.
Theo đó, nhện đực sử dụng cặp chân thứ nhất để nhảy ra khỏi bạn tình nhằm đảm bảo an toàn ngay sau khi giao phối. Tính cấp bách thể hiện qua tốc độ phi thường mà chúng đạt được, ước tính lên tới 82 cm mỗi giây.
Con đực có thể phóng đi nhanh như vậy nhờ khớp xương chày - xương bàn chân gập lại và áp sát vào con cái. Khi quá trình ghép đôi hoàn tất, các chi được giải phóng. Áp suất thủy lực học khiến chúng giãn ra với tốc độ cao, đẩy con đực lao đi trong không khí.
Việc ghi hình hành vi này là thách thức lớn với nhóm nghiên cứu vì các thiết bị khó theo kịp tốc độ phóng. "Chúng tôi nhận thấy quá trình giao phối luôn kết thúc bằng một cú phóng nhanh đến mức camera thông thường không thể ghi lại các chi tiết một cách rõ nét", chuyên gia Shichang Zhang tại Đại học Hồ Bắc (Trung Quốc), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhóm chuyên gia lần đầu bắt gặp hành vi này trong lúc nghiên cứu sự chọn lọc giới tính ở nhện thợ dệt quả cầu, loài vật sống theo các nhóm có thể gồm tới 300 thành viên. Sau đó, họ đặt camera để quan sát kỹ hơn và tìm hiểu xem điều gì xảy ra khi ngăn cản vụ phóng của nhện đực bằng cách sử dụng một chiếc cọ vẽ.
Tất cả nhện đực thoát thân sau khi ghép đôi đều sống sót, cụ thể là 152 trong số 155 con ghép đôi thành công. 3 con không phóng đi đã bị giết. 30 con khác bị ngăn cản thoát thân sau khi giao phối cũng mất mạng. Theo nhóm nghiên cứu, điều đó chứng tỏ hành vi này là cách để tránh bị bạn tình ăn thịt.
"Kết quả kinh ngạc nhất là nhện đực tránh hành vi ăn thịt đồng loại của con cái với hiệu quả động lực học phi thường. Tốc độ phóng ban đầu có thể đạt 82 cm mỗi giây trong khi chiều dài cơ thể con đực chỉ khoảng 3 mm. Hãy tưởng tượng một người đàn ông cao 1,8 m có thể lao đi xa 530 m trong một giây. Đó là những gì nhện đực làm được", Shichang Zhang nói.
Bay đi với tốc độ như vậy có vẻ là kế hoạch tẩu thoát nguy hiểm, nhưng nhện đực còn một mánh khóe khác. "Con đực kéo tơ từ cơ quan nhả tơ của mình khi bước đi trên mạng của con cái. Chúng được ‘neo’ vào mạng nhện này. Vì vậy, khi con cái tấn công, chúng sẽ thả mình xuống và treo lơ lửng nhờ sợi tơ", Zhang giải thích.
"Đó là dây an toàn. Sau khi phóng, con đực sẽ được dây an toàn giữ lại nên không rơi xuống đất. Sau đó, chúng sẽ leo trở lại mạng của con cái để giao phối tiếp, hoặc có thể đến mạng của những con cái khác để tìm kiếm cơ hội giao phối", Zhang nói thêm.
Nhóm chuyên gia dự định tiếp tục tìm hiểu xem liệu có tồn tại mối liên hệ giữa khả năng phóng của con đực với khả năng sinh sản hay không.
Thu Thảo (Theo IFL Science)