Bộ môn dance sport (khiêu vũ thể thao) đã có ở Hà Nội từ mấy năm trước, nhưng chưa bao giờ lại rộ lên như thời gian này. Ở các công viên như Thống Nhất, Thành Công, hàng trăm các quý bà, quý cô chen nhau trong những điệu nhảy Chachacha, Bebop, Mambo, Tanggo... sôi động.
![]() |
Vũ sư Ngô Long đang dìu bạn nhảy. |
Lớp học do vũ sư Ngô Long phụ trách chủ yếu là phụ nữ, từ thanh niên cho tới các quý bà 50-60 tuổi. Cứ 7h tối, trừ những hôm mưa, các quý bà, quý cô trong những trang phục ở nhà hoặc quần ngắn, áo dây, người xách chai nước, người cầm túi hoa quả tập trung ở công viên Thành Công để học nhảy nhưng cũng là tập thể dục. Người tìm được bạn nhảy nam thì hồ hởi, còn lại cứ hai nữ cặp thành một đôi.
Nhạc nổi lên, bản Chachacha sôi động phát ra từ hai chiếc loa thùng. Vũ sư Ngô Long vừa nhảy vừa cầm micro hát bài "Mắt nai chachacha" làm cho không khí náo nhiệt. Các đôi nhảy say sưa, những bước chân nhịp nhàng, khuôn mặt hào hứng, mồ hôi ướt đầm trên mặt nhưng tất cả đều ánh lên sự cởi mở, vui tươi.
Minh Tú, nhân viên một công ty về thực phẩm, tối nào cũng phóng xe máy từ Cầu Giấy lên công viên Thành Công để nhảy. Tú nhảy không khác gì những vũ sư chuyên nghiệp bởi cô tham gia lớp học gần 2 năm. Cơ thể Tú chắc lẳn, các động tác mềm mại, uyển chuyển và điêu luyện. Tú đưa tay quệt mồ hôi trên trán, vừa tranh thủ trò chuyện: "Khiêu vũ cổ điển đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều. Dance sport phải dùng tốc độ nhanh, mạnh, khỏe, khiến người tập mất sức nhiều hơn".
Lớp học thường bắt đầu lúc 7h10 và kết thúc vào lúc 9h tối. Nhiều học viên cho biết sau khi tham gia lớp học 2 tháng, đã giảm được 2-3kg, cơ thể khỏe khoắn và mềm mại hơn.
Để tham gia một khóa học nhảy trong công viên, các học viên phải đóng 120.000 đồng cho tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai, mỗi học viên chỉ đóng 60.000 đồng tiền "loa, đài". Rất nhiều phụ nữ đổ xô đến đây bởi học phí vừa rẻ lại vừa được tập trong một bầu không khí trong lành, thoáng mát.
![]() |
Nhiều quý bà say sưa nhảy trên khuôn viên của công viên Thành Công. Ảnh: Hoàng Hà |
Cô Thu, 45 tuổi ở khu tập thể Thành Công tâm sự: "Dance sport là một hoạt động giải trí hấp dẫn, nhưng cũng là bài tập thể dục hiệu quả, nó giúp người ta mở rộng giao lưu, làm mọi người gần gũi nhau hơn. Sau những vũ điệu, tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái hẳn. Trước đây, tôi bị rối loạn tiền đình, từ khi tham gia lớp học không thấy dấu hiệu đau đầu nữa".
Nhạc nền cho các điệu nhảy cũng rất đa dạng, thường là các bản nhạc kinh điển. Nhạc cho Chachacha, Mambo, Bebop, Rap được thay đổi thường xuyên, nhiều bài hát Việt đã được "phóng tác" trên những nền nhạc ngoại để tạo không khí vui tươi, phấn khích.
Vũ sư Ngô Long cho biết: "Ngoài lợi ích về sức khỏe, dance sport giúp nhiều học viên hiểu biết thêm về những điệu nhảy kinh điển của các nước phương tây, sự cảm thụ về âm nhạc và ngôn ngữ của cơ thể, tâm hồn".
Ở Công viên Thống Nhất, lớp học dance sport lại diễn ra vào buổi sáng, từ 6-7h. Nhiều người coi khiêu vũ như thói quen tập thể dục buổi sáng. Lớp học rất nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước, tranh thủ sáng đến tập rồi mới đến cơ quan làm việc.
Kết thúc buổi khiêu vũ thường là các điệu nhạc nhẹ nhàng để điều hòa cơ thể. Điệu Namvon của Lào được nhiều người già ưa thích bởi sự đơn giản, nhẹ nhàng, dễ nhảy, nhảy đôi hay nhảy tập thể theo vòng tròn đều rất vui.
Cụ Vân ở Kim Liên đã 70 tuổi nhưng nước da vẫn hồng hào, khỏe mạnh, sáng nào cũng đến nhảy. Cụ cho biết: "Tham gia học nhảy khiến tâm hồn tôi thư thái và thanh thản hẳn. Trước đây tôi hay bị cao huyết áp, giờ thấy đỡ hẳn".
Còn Hoàng Hương, nhân viên kế toán của một công ty về xây dựng thích thú: "Công việc tạo nhiều áp lực, suốt ngày tối mắt với các con số, được đắm mình trong tiếng nhạc của tango, boston hay bốc lửa cùng vũ điệu samba, mambo chính là cách thức giảm stress hiệu quả".
Anh Thư