Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ năm, 6/8/2020, 21:26 (GMT+7)

Nhật tưởng niệm 75 năm thảm kịch bom nguyên tử

Nhật BảnĐúng 8h15 ngày 6/8, hồi chuông hòa bình gióng lên, nhiều người dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima 75 năm trước.

Người dân cúi đầu trước Đài Tưởng niệm tại Công viên Hòa bình thành phố Hiroshima, Nhật Bản sáng 6/8.

Buổi lễ năm nay có sự tham dự của đại diện 83 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Do đại dịch Covid-19, chỉ có khoảng 800 người tới dự lễ, trong đó có 23 người đại diện cho những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử.

Từ 8h15, dòng người đứng trên cầu Aioi hướng về Vòm bom nguyên tử để cầu nguyện.

Lúc 8h15 ngày 6/8/1945, oanh tạc cơ B-29 Enola Gay của không quân Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" trên bầu trời trung tâm Hiroshima. Quả bom với sức công phá 13 kiloton phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m, lập tức giết chết ít nhất 90.000 người, tạo ra bán kính tàn phá 1,6 km, khiến khoảng 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.

Một phụ nữ đeo khẩu trang chắp tay tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima.

Vòm bom nguyên tử (Atomic Bomb Dome), chứng tích về sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1996.

Vòm bom nguyên tử ban đầu là Hội trường Triển lãm Thương mại tỉnh Hiroshima, nằm cách tâm nổ của quả bom hạt nhân 150 mét theo chiều ngang và 600 mét theo chiều dọc. Vụ nổ trên cao giết chết ngay lập tức những người có mặt trong tòa nhà, nhưng công trình này vẫn đứng vững và giữ nguyên hình dạng.

Đài phun nước Cầu nguyện phía trước Bảo tàng Hòa bình Hiroshima trong ngày lễ tưởng niệm.

Khách đến tham quan triển lãm hình ảnh và phim tư liệu về thảm họa hạt nhân trong bảo tàng.

Một chiếc xe đạp sót lại cách trung tâm vụ nổ 1,5 km, được trưng bày cạnh ảnh của chủ nhân trong bảo tàng.

Ảnh tư liệu Hội trường Triển lãm Thương mại tỉnh Hiroshima nổi bật giữa đống đổ nát của thành phố sau vụ ném bom, được trưng bày tại bảo tàng.

Một góc trung tâm thành phố Hiroshima ngày nay.

Cổng chính đền Jokoji (cách trung tâm vụ nổ 2,1 km), được cho là xây dựng vào năm 1690, còn sót lại hiện nay.

Một trong ba toa tàu điện số 651 sau vụ ném bom còn vận hành hiện nay. Các tàu này chỉ hoạt động trong giờ cao điểm buổi sáng.

Đại lộ Aioi Dori đi qua trung tâm thành phố Hiroshima tấp nập xe cộ với những tòa nhà cao tầng, khu mua sắm, hôm 6/8.

Murayama Yasufumi