Kế hoạch tái khởi động này diễn ra 4 năm sau khi trận động đất và sóng thần Sendai làm nóng chảy lõi lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến chính phủ Nhật Bản buộc phải tuyên bố đóng cửa công trình này.
Là một quốc gia khan hiếm tài nguyên, Nhật Bản từng dựa vào năng lượng hạt nhân để cung cấp 25% lượng điện. Chính phủ Nhật đã khởi động lại hai lò phản ứng để tạm thời đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, cả hai lò đều hỏng vào tháng 9/2013, làm gián đoạn nguồn cung cấp điện trong một thời gian dài.
Nhật Bản đã ban hành quy định an toàn nghiêm ngặt hơn để tránh lặp lại thảm họa Fukushima, bao gồm các biện pháp ngăn chặn dự phòng và xây tường chắn sóng cao hơn ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng.
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe rất chú trọng việc đưa vào hoạt động trở lại khoảng 50 lò phản ứng hạt nhân. Các công ty sản xuất điện cũng bày tỏ quan tâm tới kế hoạch này do chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo lượng phát điện quá cao.
"Điều quan trọng là chính phủ tiến hành tái khởi động lò phản ứng sau khi có xác nhận về độ an toàn. Ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là tính an toàn," Yahoo hôm 9/8 dẫn lời Yoshihide Suga, người phát ngôn cao cấp của chính phủ Nhật Bản.
Lò phản ứng số 1 ở nhà máy điện hạt nhân Sendai, cách thủ đô Tokyo gần 1.000 km về phía tây nam, đã chất đầy nhiên liệu hạt nhân. Theo dự kiến, lò phản ứng 31 năm tuổi này sẽ đạt công suất tối đa vào 11 giờ tối hôm nay và phát điện vào ngày 14/8. Nhưng hoạt động bình thường chỉ bắt đầu sau tháng 9.
Một số lò phản ứng khác đã được phê duyệt hoạt động trở lại dưới những quy định an toàn chặt chẽ hơn so với thời kỳ trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, sự cố hạt nhân tồi tệ nhất sau thảm họa Cherbonyl ở Ukraine năm 1986.
Phương Hoa