Theo Nikkei, việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á khi được ông chọn là điểm đến chính thức đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng.
Ông Yoshihide Suga sẽ đến thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến thăm Đông Nam Á từ ngày 18/10 đến 21/10. Sự kiện này cũng được tận dụng để kêu gọi các biện pháp khuyến khích đầu tư vào Đông Nam Á.
Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đáng kể chương trình khuyến khích doanh nghiệp xây dựng cơ sở ở Đông Nam Á nhằm đa dạng chuỗi cung ứng vốn. Chính phủ Nhật Bản sẽ trả một nửa chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp lớn và đến hai phần ba cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Các khoản trợ cấp được áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng sản xuất tập trung ở một quốc gia.
Động thái này nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại các quốc gia, chứ không phải lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc không được nêu tên trong kế hoạch nhưng mục tiêu dường như để giảm sự phụ thuộc vào đất nước này.
Mặt khác, xây nhà máy mới ở một nước Đông Nam Á và bỏ lại cơ sở ở Trung Quốc sẽ được coi là hình thức đa dạng hóa hợp pháp. Chương trình này không nêu đích danh Trung Quốc bởi theo Nikkei, nếu làm vậy có thể khiến Tokyo bị chỉ trích bóp méo tự do thương mại.
Theo Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Kansai University of International Studies, kế hoạch này sẽ không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, "miễn là nó có các tiêu chuẩn khách quan để cung cấp hỗ trợ, thay vì trợ cấp cho các công ty cụ thể".
Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất do chi phí thấp. Mức lương trung bình của một công nhân sản xuất ở Indonesia khoảng gần 6.000 USD một năm, tại Việt Nam là hơn 4.000 USD. Trong khi đó, mức lương tại Trung Quốc gần 10.000 USD.
Trước khi trở thành Thủ tướng Nhật, Suga đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở các quốc gia cụ thể. Lý do là các nhà sản xuất ôtô buộc phải đóng cửa nhà máy khi họ không thể có linh kiện từ Trung Quốc giai đoạn đầu Covid-19.
Tài khóa 2020, Nhật chi 23,5 tỷ yen (223 triệu USD) trong ngân sách cho gói trợ cấp đầu tiên để giúp các doanh nghiệp chuyển sản xuất đến Đông Nam Á, nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng. Chính phủ đã duyệt 30 dự án trong vòng đăng ký đầu tiên kết thúc hồi tháng 6.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ khiến các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc bị mắc kẹt hàng hóa khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trả đũa nhau.
Tú Anh (theo Nikkei)