Mức cắt giảm này thấp hơn 50,1 tỷ yen (611,2 triệu USD) so với dự kiến ban đầu và là một phần trong kế hoạch ngân sách trị giá 4.000 tỷ yen (50 tỷ USD) để tái thiết đất nước sau thảm họa sóng thần và động đất ngày 11/3.
Sau khi quyết định được thông qua hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Takeaki Matsumoto phát biểu trước báo giới rằng ông “rất lấy làm tiếc” về sự cắt giảm này. Theo ông, Tokyo sẽ chủ yếu cắt giảm những khoản vay bằng đồng yen và giảm đóng góp vào các quỹ đa phương, nhằm tối giản hóa ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra đối với hoạt động viện trợ của Nhật Bản.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng việc cắt giảm này không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động viện trợ nước ngoài và các cam kết quốc tế của Nhật Bản về hỗ trợ giải ngân”, ông Matsumoto nói tiếp.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan phát biểu trong cuộc họp báo về gói ngân sách 50 tỷ USD hôm qua, 22/4. Ảnh: AFP |
Trên thực tế, khoản cắt giảm trị giá 50,1 tỷ yen này vẫn thấp hơn dự kiến ban đầu là hơn 100 tỷ yen. Trong số 50,1 tỷ yen, có 27,6 tỷ yen nằm dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Nhật. Cũng theo thông báo hôm qua, Nhật Bản sẽ chỉ cắt giảm ngân sách ODA trong một năm là tài khóa 2011 và hy vọng sẽ tìm được sự cảm thông, thấu hiểu từ các quốc gia nhận viện trợ.
Theo hai tờ Japan Today và Japan Times, một số nhà làm luật trong Nội các Nhật Bản không đồng tình với việc cắt giảm ngân sách ODA. Những người này cho rằng 140 quốc gia cùng 40 tổ chức quốc tế đã quyên góp để giúp Nhật Bản vượt qua thảm họa kép, trong đó nhiều quốc gia hoặc tổ chức làm điều này như một sự trả ơn vì họ đã được nhận nguồn vốn ODA trong quá khứ.
Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản bao gồm các khoản hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật và khoản vay lãi suất thấp mà Nhật dành cho các quốc gia đang phát triển, cũng như đóng góp vào các tổ chức quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Sau thảm họa kép hôm 11/3 tại tỉnh Fukushima, nhân dân Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ người dân Nhật Bản. Hôm 29/3, VnExpress.net cũng đã chuyển gần 3 tỷ đồng ủng hộ của độc giả tới Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Hôm qua, Nội các Nhật Bản đã thông qua một gói ngân sách đặc biệt trị giá 4.000 tỷ yen (gần 50 tỷ USD) để hỗ trợ việc tái thiết đất nước. Trong số này, sẽ có khoảng 15 tỷ USD được dành cho việc sửa chữa đường xá, cầu cảng và hơn 8,5 tỷ USD để xây nhà tạm, dọn dẹp các đống đổ nát. Đây sẽ không phải là gói hỗ trợ duy nhất cho việc tái thiết đất nước. Bộ trưởng Tài chính Nhật, ông Yoshihiko Noda cho biết Quốc hội có thể sẽ duyệt một gói ngân sách đặc biệt tiếp theo trong tuần tới. Thảm họa kép động đất – sóng thần đã phá hủy nhiều hệ thống đường, cảng, nông trang và nhà cửa của dân chúng, đồng thời phá hủy một nhà máy điện hạt nhân khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 27.000 người đã chết hoặc mất tích sau vụ động đất, sóng thần. Có 135.000 người đang phải sống tạm bợ tại 2.500 khu nhà ở công cộng. Theo báo cáo cách đây không lâu, Chính phủ Nhật Bản ước tính thiệt hại có thể lên đến con số 309 tỷ USD, biến nó thành thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang mắc kẹt trong khó khăn kinh tế, với tăng trưởng được dự báo có chiều hướng đi xuống, theo báo cáo kinh tế mới nhất của nước này. |
Thanh Bình