Với gần 30 chữ ký của các sở, ban, ngành, hội… mới quyết định cuối cùng lựa chọn sản phẩm của chúng tôi. Tuy vậy, khi gặp đại diện thi công thuộc Sở Giao thông công chính, họ hỏi gạch này có độ bền bao nhiêu năm? Tôi trả lời từ 20-30 năm. Vị cán bộ nói ngay: “Bền thế thì chúng tôi đói à?”.
Có vẻ như mỗi lần đấu thầu thay gạch là một lần họ có cơ hội... đỡ đói.
Họ muốn mẫu mã vẫn vậy, chất lượng giảm đi, giá giảm đi và doanh nghiệp và các bên cùng được lợi. Nhưng là người Hà Nội, tôi muốn có thể nói với các con tôi rằng viên gạch bố làm ra được lát ở Hồ Gươm. Nếu tôi chấp nhận hạ giá thành, làm gạch kém đi, cộng thêm chi phí mua một số quan hệ, dự án sẽ thuận lợi hơn nhiều. Còn nếu không, cơ hội tham gia dự án sẽ giảm đi còn rất ít, cái tôi còn chỉ là niềm tự hào.
Tôi và Trịnh Xuân Thanh là bạn bè cùng trang lứa, cùng sinh ra tại Hà Nội. Mới cách đây chỉ hai đến ba năm, người ta còn nhắc đến anh như một “người hùng” nổi danh với những thành công trong sự nghiệp kinh doanh và chính trường. Còn giờ đây, Thanh lại càng “nổi tiếng” hơn nữa không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi quốc tế.
Nhiều năm theo dõi bước đường công danh của Thanh, tôi cùng bạn bè phải công nhận sự nghiệp của Thanh lên như “diều gặp gió”. Thành công của Thanh trên con đường kinh doanh, trong mắt chúng tôi, không chỉ nhờ gia thế, mà còn nhờ tài quan hệ và sự khéo léo với cấp trên.
Bây giờ thì có vẻ như anh đã vướng vào vòng dây trói của chính những mối quan hệ mới ngày nào còn đưa mình lên tận mây xanh.
Giới doanh nhân thường hay nói với nhau rằng, trong kinh doanh, quan hệ là số một, thứ đến mới là vốn, nhất quan hệ nhì tiền tệ. Quan hệ ở đây được hiểu là các mối quan hệ có tính chính trị chứ không phải quan hệ thương mại thuần túy.
Tuy vậy, liệu có phải “quan hệ” lúc nào cũng đem lại những lợi ích béo bở cho doanh nghiệp và doanh nhân? Thực tế nhiều vụ việc xảy ra gần đây đã cho thấy “quan hệ” có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường mà doanh nghiệp và doanh nhân nhiều lúc không hề nghĩ tới.
Nhiều năm làm kinh doanh, tôi thấy trên các bàn nhậu, các ông doanh nhân thường khoe nhau là đệ của bác này, em của anh kia như một các mác oai cho mình. Không ít các chuyến công tác của lãnh đạo được hộ tống bởi một đội ngũ hùng hậu doanh nhân. Thành phần không nhỏ trong số đó là đi với mục đích xây dựng các mối quan hệ với quan chức, hơn là để thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với đối tác nước sở tại.
Nhiều doanh nhân bỏ bê các hoạt động chính thống của mình để dành nhiều thời gian cho sân golf, bàn tiệc, cửa sau… để “mua” quan hệ nhằm giành các hợp đồng béo bở hoặc sự bảo kê trái pháp luật hay cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ.
Và ngược lại, cũng đã có một số quan chức liên kết với doanh nghiệp tạo ra những “sân sau” để biến những lợi thế về quyền lực thành lợi nhuận.
Phiên tòa xử đại án OceanBank mấy ngày nay cũng xoay quanh từ khóa “quan hệ” với những khối tiền tỷ được tải đi để phục vụ cho mục đích này.
Thực sự còn không ít doanh nghiệp mà việc kinh doanh chỉ là phụ sau việc quan hệ, lobby, chạy dự án… Điều đó gây ra nhiều hệ lụy: Môi trường kinh doanh bị vẩn đục, người làm ăn chân chính, lương thiện lại bị thua thiệt, bị chèn ép; nạn tham nhũng thêm tinh vi và trầm trọng, niềm tin giữa con người trong kinh doanh cũng vì thế mà mong manh hơn…
Câu chuyện liên kết chính trị gia và tư bản thân hữu không chỉ với Việt Nam mà xảy ra mọi nơi trên thế giới. Đó là bài học của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye liên kết bất hợp pháp với tập đoàn Sam Sung dẫn đến việc bà bị phế truất và đứng trước vòng lao lý. Còn ông chủ Jay Y. Lee của tập đoàn Sam Sung chắc chắn vướng án tù nhiều năm.
Với Việt Nam, điều cần làm để gây dựng một chính phủ liêm chính là phải có các công cụ hữu hiệu để hạn chế (chứ tôi chưa dám nói chấm dứt hẳn) vấn nạn này. Công cụ pháp lý thì nhiều, sửa luật, sửa văn bản, ban hành các chỉ thị, quy định chi tiết về đạo đức của chính trị gia. Minh bạch hóa đến mức chi tiết hóa các mối quan hệ của từng vị trí trong cơ quan công quyền và các hành vi được phép hay không được phép.
Chỉ khi Chính phủ gọi tên và chi tiết hóa được các hành vi đó chúng ta mới có thể bảo vệ chính đội ngũ cán bộ công quyền trước, sau đó còn là bảo vệ sự liêm chính của doanh nhân.
Với giới doanh nhân, mặt trái của thói quen kinh doanh nhờ quan hệ chính là rủi ro sẽ đến bất thình lình tùy theo Thời và Thế. Muốn né mặt trái đó, thực ra anh chỉ cần tập trung xây dựng doanh nghiệp bằng chính nội lực của mình.
Đinh Hồng Kỳ