"Việc đơn phương đưa ra những quy định như thế này chỉ phù hợp với những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền riêng. Hành động áp đặt các hạn chế nhất định với tàu thuyền đánh cá không được quốc tế chấp nhận", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói. "Không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế đều lo ngại trước việc Trung Quốc đang đơn phương đe dọa trật tự quốc tế hiện tại".
Tuyên bố trên của ông Onodera được đưa ra sau buổi tập trận trau dồi kỹ năng bảo vệ và tái chiếm đảo xa của một lữ đoàn không quân tinh nhuệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày hôm qua.
Cùng ngày, ba tàu tuần duyên của Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Phản ứng trước sự việc trên, Bộ trưởng Onodera cho biết Tokyo không bao giờ bỏ qua các hành động đang tái diễn liên tục này, và và tuyên bố "ngoài các nỗ lực ngoại giao, sẽ phối hợp với lực lượng tuần duyên bảo vệ an toàn lãnh thổ và lãnh hải xung quanh Senkaku".
Cuối tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua quy định mới, trong đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 và các tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (82.600 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định những yêu sách đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị. Cùng ngày, phía Philippines cũng tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington coi việc chính quyền tình Hải Nam ra quy định hạn chế đánh bắt cá mới trên phần lớn Biển Đông là "hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm".
Quy định mới của Trung Quốc ra đời không lâu sau khi nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Washington, Tokyo và Seoul.
Đức Dương