Thành phố Hiroshima, cửa ngõ du lịch phía tây Honshu, đảo chính Nhật Bản, sẽ là địa điểm tổ chức hội nghị G7 vào ngày 19/5. Các nhà hàng tại đây kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp Hiroshima không chỉ là địa danh gắn liền với vụ đánh bom nguyên tử gần 78 năm trước, mà còn nổi tiếng với món bánh xèo đặc sản okonomiyaki.
Okonomiyaki, nghĩa là "nướng những món bạn muốn" trong tiếng Nhật. Bánh xèo Hiroshima thường gồm mì, bắp cải, bột và thịt lợn, nướng trên một tấm kim loại nóng.
Đây được cho là "món ăn tinh thần" của thành phố, bắt nguồn từ cách người dân nấu bột trên đĩa sắt để sinh tồn qua vụ đánh bom nguyên tử năm 1945. Hiện có hơn 800 nhà hàng chuyên về món bánh xèo này ở Hiroshima.
Để "tăng hương vị" cho hội nghị G7, Hiệp hội Okonomiyaki, tổ chức có nhiệm vụ quảng bá món bánh xèo Nhật với thế giới thông qua các hoạt động nghiên cứu, dự định giới thiệu các biến tấu okonomiyaki mới lạ, dùng nguyên liệu từ nhiều quốc gia khác nhau, tại các sự kiện của hội nghị.

7 biến tấu okonomiyaki theo chủ đề của 7 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, trưng bày ngày 20/2. Ảnh: Mainichi
Sau khi được chỉ định làm "đại sứ" quảng bá ẩm thực của Hiroshima hồi cuối năm 2022, Hiệp hội Okonomiyaki đã tìm hiểu và phát triển món bánh xèo này theo chủ đề của từng quốc gia thành viên G7.
Họ hoàn thành công thức hồi đầu năm, đồng thời khuyến khích các nhà hàng trong thành phố làm theo. Chuỗi nhà hàng Chinchikurin gần đây tuyên bố áp dụng thực đơn mới.
Atsuki Kitaura, giám đốc Chinchikurin, cho biết nhà hàng sẽ có các lựa chọn okonoyami nhân sauerkraut (dưa cải Đức), hay phiên bản Canada dùng kèm siro lá phong, hoặc biến tấu theo phong cách carbonara để tôn vinh Italy.
Đối với thực khách Mỹ, okonomiyaki sẽ có phiên bản bánh burger. Phiên bản Pháp có bắp cải, giá đỗ, thịt xông khói, phô mai và trứng rán, toàn bộ gói trong một chiếc bánh crepe dùng kèm sốt.
"Đây là món ăn tinh thần của người dân Hiroshima. Chúng tôi dự kiến đón nhiều thực khách từ nhiều nước khác nhau đến đây trong dịp G7, nên muốn tạo nhiều hương vị okonomiyaki phong phú để phục vụ họ", ông Kitaura nói.
Tuy nhiên, một số người dân địa phương tỏ ra hoài nghi về các biến thể mới lạ này, trong đó có phiên bản okonomiyaki cá chiên và phủ khoai tây chiên, theo cảm hứng món truyền thống fish and chips của Anh.
"Nếu chỉ mình cá và khoai chiên, kèm một lon Coke thì không sao. Nhưng tôi không nghĩ mình có thể dùng nổi phiên bản bánh xèo đó", nhân viên văn phòng Shinya Otsuki nói.

Món okonomiyaki tại nhà hàng thuộc chuỗi Chinchikurin ở Hiroshima, miền tây Nhật Bản, ngày 8/5. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng định G7 sẽ diễn ra tại Hiroshima từ ngày 19/5 đến 21/5. G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Tokyo giữ chức chủ tịch luân phiên G7 năm 2023.
Ngày 13/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thị sát địa điểm chính tổ chức hội nghị và những nơi ông dự kiến đến thăm cùng các lãnh đạo nước ngoài.
Ông dự định chào đón các lãnh đạo G7 tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình vào ngày khai mạc hội nghị. Đây là bảo tàng tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố năm 1945.
Thủ tướng Nhật bày tỏ hy vọng chuyến thăm bảo tàng vào ngày đầu tiên của hội nghị sẽ thúc đẩy nhận thức sâu sắc hơn về sự tàn phá của bom nguyên tử, cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng "một thế giới không vũ khí hạt nhân". Các lãnh đạo G7 cũng dự kiến gặp gỡ những người sống sót sau thảm kịch năm 1945.
Đức Trung (Theo Reuters, Asahi, Kyodo)