Hồi nhỏ, ba mê cải lương lắm. "Hai Lúa miền Tây chính hiệu mà". Mỗi bận có đoàn cải lương về là ba lại băng đồng lội ruộng đi coi. Coi để rồi thầm ước sau này mình cũng được làm kép mùi như các bác Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Sang... Mê đến mức mấy câu cải lương ba thuộc lòng, lúc vui, lúc buồn thỉnh thoảng lại nghêu ngao.
Năm học lớp 12, nhờ thuộc mấy câu cải lương ấy mà ba được chọn đưa lên Sài Gòn học trường Sân khấu Điện ảnh. Nhưng để bước qua cổng trường, ba phải trải qua cuộc thi diễn xuất nghiêm túc. Lúc ấy diễn cải lương ba còn không có chút kiến thức, nói gì đến diễn kịch. Ba run xanh mặt. Thi xong, ba về nhà xin tiền bà nội đi mua thật nhiều diều để thả. Lúc đó, ba tin rằng thả diều cũng như ta thả ước mơ. Diều càng bay cao thì ước mơ càng gần hiện thực.
Có lẽ niềm tin từ những cánh diều đã thực sự mang lại may mắn cho ba. Ba nhận giấy báo trúng tuyển. Sau đêm mất ngủ vì mường tượng những huy hoàng chờ đón mình ở thành phố, ba bước chân vào trường với cảm giác bàng hoàng. Đó là một ngôi trường cũ nát. Cuộc sống vật chất thiếu thốn trăm bề. Cơn đói quay quắt hàng ngày nhiều lúc khiến ba phải tự đấu tranh dữ dội với bản thân, bởi chỉ cần một phút nhắm mắt làm liều ba đã có thể trở thành một kẻ ăn cắp. An ủi lớn nhất của ba và bạn bè là được gặp thường xuyên những thần tượng: bác Thương Tín, Bảo Quốc, Bảo Chung... thật 100% chứ không phải trên phim ảnh.
Gia đình Quyền Linh - Dạ Thảo và bé Lọ Lem (Thảo Linh). Ảnh: Thế Giới Văn Hóa. |
Ba còn nhớ, ngày tốt nghiệp cũng là ngày ba nhận "bằng thất nghiệp". Kịch nói hay điện ảnh thời đó đều có những tên tuổi chiếm lĩnh. Ký túc xá lúc này cũng không còn chỗ tá túc cho sinh viên đã ra trường. Mỗi lần ban quản lý đến kiểm tra, ba phải trốn trên trần hoặc chui vào trong toilet... nín thở. Bơ vơ, buồn bã, ba bỏ Sài Gòn về Mỹ Tho làm ruộng.
Thế rồi cơ hội đến với ba từ phim Khát vọng sống, với vai chính thay thế chú Lê Công Tuấn Anh mắc bận đột xuất. Từ những vai phụ trong đoàn kịch nói Kim Cương với thù lao 3.000 đồng mỗi đêm đến vai chính trong Khát vọng sống với cát-xê 1,2 triệu đồng, có thể nói đời ba đổi từ "diễn viên thiếu thốn" sang "diễn viên đủ ăn" kể từ đó.
Bây giờ, gần hai chục năm lăn lộn với đam mê, khi đã đóng hàng trăm tập phim truyền hình, phần thưởng dành cho ba là bước ra đường khán giả quên tên thật, mà cứ gọi là "kỹ sư Huy" hay Lãm trong Người Hà Nội.
Hai năm qua, làm MC là lối rẽ bất ngờ trên con đường nghệ thuật của ba. Từ nghề tay trái này, ba tạo được con sóng yêu thương trong lòng khán giả bởi ba đã đem vào đây tất cả những sự thấu hiểu, đồng cảm với cái nghèo, nghị lực và khát khao. Ba không kìm được nước mắt khi chứng kiến những gia đình mà hàng chục con người sống chen chúc trong vỏn vẹn hai mấy mét vuông, suốt 27 năm dài chỉ mơ ước có một... cái nhà vệ sinh. Lại có bức thư của bà mẹ nghèo bị ung thư, mơ ước được tham dự chương trình để mong có "chút gì" để lại cho con...
Trong đời ba, có ngàn vạn hoa hồng của khán giả, có khoảng lặng buồn tủi, có tình thương của bạn bè chí cốt, có lên xe xuống ngựa, có phiêu dạt lang thang... nhưng ba vẫn là một nông dân chân chất, đi dép lẹt xẹt ngoài phố, gần gũi người nghèo, yêu quý cuộc sống lao động mộc mạc.
Với ba, dường như may mắn không tự nhiên mà có. Ba chỉ biết miệt mài làm việc bằng tất cả sức lực. Ba làm việc cho người thân, khán giả, và bây giờ là cho mẹ và cho con - Lọ Lem bé bỏng.
Mẹ Dạ Thảo: "Mẹ là fan lặng lẽ của ba"
Ngày ba chưa tìm thấy mẹ, mẹ là người con gái bình thường lặng lẽ. Từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, mẹ tằn tiện làm đủ việc để trả tiền sách vở, nuôi mình và nuôi hai em ăn học. Mẹ cắm cúi học đại học để nhận bằng được hai tấm bằng. Mẹ quyết tâm thoát khỏi cái nghèo. Mẹ cũng yêu cái đẹp. Vậy là mẹ tập tành kinh doanh, bắt đầu từ cửa hàng quần áo thời trang.
Mẹ lớn lên từ nghèo khó nên mẹ thương cái nghèo. Mẹ được bà ngoại dạy phải sống có tình nghĩa nên mẹ quý trọng nghĩa tình. Mẹ là fan lặng lẽ của ba. Đến khi được gần ba, mẹ mới vỡ lẽ đằng sau những hào quang nghệ thuật, ba còn có một tấm lòng chân chất, đầy tình thương và cảm thông với cuộc đời.
Ngày đầu tiên ba dắt mẹ về quê, lòng mẹ thắt lại khi gặp người mẹ quê mùa nghèo khổ và bốn đứa em nheo nhóc của ba. Trong ngôi nhà không che nổi mưa nắng, mẹ thấy xót xa nhưng thân quen như chính quá khứ nghèo khổ của gia đình mình. Chưa bao giờ mẹ nghĩ sẽ là vợ của người nổi tiếng. Bây giờ, khi đã là vợ của người nổi tiếng, mẹ vẫn là một phụ nữ lặng lẽ sau lưng chồng.
Ba và mẹ: Ơn nhau và cũng nợ nhau một tình yêu
Ba tìm thấy ở mẹ một nửa yêu thương của đời mình, người con gái hiền lành, thùy mị và giỏi giang, một thân một mình trên đất lạ, tay trắng làm nên sự nghiệp. Và mẹ còn là người con gái hết lòng vì gia đình, là mẫu người phụ nữ lý tưởng ba kiếm tìm cho một gia đình hạnh phúc.
Ba đã tìm thấy sâu thẳm nơi mẹ một nhân cách, tấm lòng quá đỗi hồn hậu. Ba vẫn nhớ ánh mắt đầu tiên của mẹ nhìn bà nội, nhìn các cậu. Ánh mắt ấy không giống của bất kỳ người con gái nào trước đó. Và vì vậy, dù không có vương miện lấp lánh trên tóc mẹ, dù mẹ chẳng rực rỡ kiêu sa, nhưng ba đã yêu quý chọn mẹ.
Ba tự hào có mẹ là một người vợ tận tụy, thầm lặng hy sinh vì chồng con, người vợ lo cho ba từng bữa cơm, ly nước, ủi cái quần, giặt cái áo, ân cần đón chồng đi xa về; người vợ tự tay chăm sóc đứa con nhỏ; người vợ chưa từng gợi lại những tình cảm riêng trong quá khứ và đặt trọn niềm tin thủy chung nơi chồng, dù biết công việc khiến chồng mình có không ít những nhan sắc vây quanh. Và đó còn là nàng dâu, chị dâu thảo hiền luôn biết lo lắng cho mẹ và các em chồng như người ruột thịt.
Còn mẹ tìm thấy ở ba những khát khao được yêu và trao gửi tình yêu. Một người đàn ông luôn bỏ ngoài cửa tất cả danh vọng, địa vị để bước vào nhà, hoàn toàn là người chồng, người cha yêu thương vợ con bằng cả tấm lòng. Hạnh phúc của ba mẹ trong tổ ấm nhỏ này là sự cộng hưởng của hai tấm lòng đã ơn nhau và cũng nợ nhau một tình yêu.
Với Lọ Lem
Có thể hôm nay Lọ Lem chưa hiểu hết những gì ba mẹ nói. Nhưng chắc chắn con sẽ lớn lên trong niềm tự hào mình là trái ngọt tình yêu của ba và mẹ. Bên mẹ, một buổi chiều cuối tuần, ba cõng Lọ Lem cưng dạo phố và vờ vấp ngã để làm trò. Tiếng cười Lọ Lem rớt xuống vai ba, chạm trên thềm nắng, trong veo...
(Theo Gia Đình Trẻ)