Tôi chưa bao giờ chọn Sa Pa là điểm dừng trong hành trình của mình. Lần này thì khác, chúng tôi quyết định đi xe máy hơn 500 km từ Hải Phòng lên Sa Pa dưới nền nhiệt 5-7 độ C.
Trời mưa rét buốt, cả đoàn phải dừng lại sưởi ấm nhờ nhà dân 2 lần vì chân lạnh cứng, tay mất cảm giác ga. Khi còn cách thị trấn Sa Pa 35km, chúng tôi dừng lại sưởi 3 lần, và từ Sa Pa lên trạm Tôn 18 km phải dừng lại sưởi 4 lần, như thế là đủ hiểu trời ở đây lạnh đến mức nào.
Gần đến thị trấn Sa Pa thì đường bị tắc, chúng tôi phải rẽ vào bản đi đường vòng. Ở đó, tôi nhìn thấy những ngôi nhà xiêu vẹo, gió lạnh thổi xuyên qua khe gỗ, mọi người ngồi run bần bật bên bếp củi.
Dọc đường, nhiều người đi bộ gánh những quẩy thịt trâu hay chở vắt vẻo những con bò chết trên xe máy, tôi không cầm được lòng. Nhìn họ nghèo khó, khắc khổ, mặt ai cũng buồn rười rượi. Tôi hỏi thì họ cứ lẳng lặng bước đi.
Nhìn họ buồn, tôi cũng không hỏi thêm gì nữa, lặng lẽ chụp những bức ảnh (không phải để về khoe với bạn bè, mà để lưu lại những cảm xúc mà tôi đã đi qua). Còn rau màu ở đây bị phủ trắng xóa bởi tuyết, và chắc chắn sẽ dập thối khi tuyết tan.
Chúng ta thử làm phép so sánh nhỏ: Một con bò, bê có giá từ 10-20 triệu đồng, tương đương một chiếc xe máy đẹp, nếu chúng ta bị mất chiếc xe đó có tiếc không? Đằng này ở trong bản nhiều hộ dân trâu bò chết 2, 3 con vì rét, hỏi sao họ không buồn cho được.
Xưa tôi cũng lỡ vài trận tuyết rơi ở Sa Pa, ngồi nhà xem ảnh các bạn trẻ chụp cũng mong một lần được sờ vào tuyết, nhưng khi chuyến đi này kết thúc tôi đã thay đổi. Giờ nếu có cho tiền tôi cũng không dám đi Sa Pa ngắm tuyết nữa.
Trên đường về, chúng tôi thấy cảnh sát cơ động đến gõ cửa từng chiếc xe bị kẹt cứng trên đèo phủ đầy băng tuyết để phát hàng viện trợ: nước lọc, bánh mì, bơ sữa... Những chiếc xe đang bị kẹt đó còn cầm cự được bao lâu khi cứ nổ máy chạy điều hòa giữ ấm? Nếu xe hết dầu thì không biết hàng trăm con người trên kia sẽ như thế nào?
Qua chia sẻ này, tôi không trách dòng người chật cứng đang ùa lên Sa Pa kia, mà chỉ mong các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về nỗi khó nhọc của bà con dân tộc thiểu số vùng núi cao khi mùa đông về.
>> Xem thêm: Sự thật bất ngờ đằng sau những đứa trẻ trần truồng trong rét lạnh ở Sapa
Tranh cãi 'Sa Pa không nghèo, chẳng khổ vì tuyết rơi'
Một thành viên trên mạng xã hội kêu gọi mọi người dừng việc cho tiền, ủng hộ quần áo lên Sa Pa, gây tranh cãi cộng đồng. |