Kungfu thay ăn sáng
Sau một ngày vừa bay và chuyển máy bay khá mệt mỏi, tôi đặt chân đến thành phố Tam Á (Sanya) trên hòn đảo Hải Nam. Không khí ở đây thật trong lành và dễ chịu. Một chút cảm giác giống Nha Trang, giống như tôi đang ở nhà và cho tôi tự tin hơn. Trong suốt cuộc hành trình từ TP HCM qua đến Hải Nam, tôi phải chuyển máy bay tại sân bay Quảng Châu, tâm trạng vô cùng ngổn ngang. Dù nhận được tin sẽ tham dự cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới tầm cỡ quốc tế này từ trước Tết nguyên đán, lại chuẩn bị kỹ từ các khâu, thậm chí được gia đình động viên, vây mà tôi vẫn lo âu, thấp thỏm để rồi lên đường thì thôi kệ, coi như mình đã cưỡi lên lưng hổ.
Chưa bao giờ tôi thấy tự tin như lúc này. Ngồi trên taxi, hít một hơi thật dài, nhắm mắt lại, thở thật khoan khoái, khách sạn 5 sao Crown Plaza đã hiện ra trước mắt. Tôi lên nhận phòng và xuống tập trung ăn tối để biết lịch ngày mai.
Sáng sớm, việc đầu tiên làm quen với thời tiết ở Hải Nam là luồng không khí lành lạnh, giống với Hà Nội. Chúng tôi bị khua dậy để tập môn võ kungfu. Ngay sau buổi tập, tôi được biết đây là “món ăn sáng”, sẽ đồng hành cùng chúng tôi như bánh bao và cháo trắng ở nơi đẹp như thiên đường thế này. Dù chưa thử học kungfu bao giờ, nhưng ngày ở nhà tôi có học võ nên tiếp nhận khá nhanh. Mỗi tội xem trên phim thì khác quá, thấy Châu Tinh Trì, Lý Tiểu Long đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng ở ngay sảnh của khách sạn này, tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, thật chậm mà chúng tôi gọi đùa là… múa. Tôi cứ nghĩ đến những động tác tập dưỡng sinh của các cụ ở nhà lại thấy vui vui, hóa ra mình tích luỹ những bài võ này cho mai sau cũng được.
Thày dạy võ của chúng tôi là một võ sư nổi tiếng của Trung Quốc. Ông cho biết, 2 tiếng buổi sáng với bộ môn kungfu này sẽ giúp chúng tôi đủ sức khoẻ để tham dự những cuộc thi tranh giải phụ trong suốt những ngày tham gia cuộc thi Mr World tại hòn đảo này. Chính vì thế tôi càng chăm học. Chỉ tội mấy anh chàng châu Âu và châu Mỹ, ít tiếp xúc với những môn võ mang tính dẻo dai và khéo léo nên họ hơi lóng ngóng. Nhưng họ quả thật thông minh, chỉ mấy ngày sau đã tiến bộ rõ rệt. Càng tập, mệt, chúng tôi càng thấy đồ ăn ở đây thực sự hấp dẫn và ngon miệng. Gần như chế độ ăn kiêng không áp dụng được ở đây, vì nếu hạn chế bạn sẽ không có sức để tham gia những hoạt động còn lại.
|
Người mẫu Hồ Đức Vĩnh tại cuộc thi Mr World. Ảnh: Jinkunl'blog. |
Tranh giải phụ là thi… bạo lực
Nói là các phần thi bạo lực để cho vui thôi, nhưng nếu thực sự không có sức khỏe thì coi như bạn thua nhé. Hãy tưởng tượng, có quá nhiều phần thi phụ trong suốt hành trình đến đêm chung kết mà phần thi nào các thí sinh cũng ngao ngán. Mỗi ngày nhận được lịch, chúng tôi đều hồi hộp, không biết cuộc thi đó sẽ diễn ra thế nào, mình có đủ sức để tham gia không? Tôi thì không đến mức giỏi lắm, nhưng phần thì nào tôi cũng biết một chút đủ xài và tham gia nhiệt tình.
Chúng tôi chia nhóm: xanh, vàng, đỏ… Nhóm vàng, có tôi và cậu Trung Quốc, Lejun Tony Jiang là người châu Á. Có nghĩa là cho đến chung kết, Ban tổ chức chọn đại diện cho đêm cuối cùng cũng dựa vào nhóm mà thanh lọc. Tôi tự thấy mình có một đối thủ đáng gườm là nước chủ nhà! Châu Á khó có thể có hai người đại diện trong một đội được. Nhưng tôi bỏ qua hết những “bon chen” vớ vẩn đó, mục tiêu lớn nhất từ đầu đặt ra khi đến Hải Nam của tôi vẫn là học hỏi. Chính vì vậy tôi vô cùng thoải mái và chơi hết mình.
Hãy tưởng tượng một màn thi leo núi, những bậc thang gần như thẳng đứng kéo dài 2.300 m, chỉ cần từ từ leo cũng đáng bỏ cuộc chứ đừng nói tính giây như Ban tổ chức yêu cầu. Rất may, cứ mỗi đoạn lại có một nhóm nhảy múa hát ca để cổ vũ cho mình vui nên chúng tôi cảm thấy có hứng thú. Về đích thứ ba không phải là cao siêu, nhưng tôi cũng hơn được khối bạn. Có nhiều người còn nôn thốc tháo, hoặc ngất xỉu vì quá mệt. Hiện giờ tôi vẫn giữ hai trái cau, phần thưởng dành cho người chinh phục lên tận đỉnh và đi xuống an toàn. Còn môn khó nhất có lẽ phải kể đến lướt sóng, không cẩn thận bạn sẽ bị ngã lật nhoài, và phần thi này không dành cho những người không biết bơi hoặc bơi quá kém.
Húc nhau với Mr World
Bạn bè ở đây thật dễ chịu, ai cũng cười đùa vui vẻ và tỏ ra thân thiện dù không biết trong lòng họ có như vậy không nữa. Nhưng ấn tượng nhất với tôi có hai người. Đầu tiên kể đến thí sinh người Hong Kong, Francois Huynh, ở cùng phòng với tôi. Ngay buổi đầu tiên, tôi bước vào phòng, cậu ta đã rất thân thiện “Hello Vietnam” (danh sách thí sinh ở chung với nhau đã được thông báo trước). Sau đó Huynh đưa cho tôi xem lịch trình ngày mai được ghi trên giấy bằng tiếng Anh. Tôi bảo với cậu ta tiếng Anh của tôi không được tốt lắm, nên mong cậu ấy nói chậm và giúp đỡ nhiều hơn. Francois Huynh tỏ ra rất hạnh phúc khi được giúp đỡ một người bạn. Nhưng thực ra vốn tiếng Anh của tôi không tệ đến mức như tôi cảm giác, vì có rất nhiều thí sinh các nước khác còn phải dùng phiên dịch. Quản lý của chúng tôi là một cô gái người Australia, 24 tuổi, vô cùng dễ thương.
Người thứ hai tôi ấn tượng là thí sinh đến từ Tây Ban Nha, Juan García Postigo, có cách thu hút thực sự đặc biệt. Nếu nhìn phong thái của cậu ấy, cách nói chuyện từ cái nhíu mày, nháy mắt đến việc cười thế nào cho duyên nhất thì cậu ta đã hội tụ đủ. Tôi từng thắc mắc liệu Juan có học qua một trường lớn đào tạo về giao tiếp nào hay không mà lại cuốn hút đến thế? Sau này tôi mới biết được, ngay ở xứ sở của những cuộc thi đấu bò tót thì Juan đã là một MC xuất sắc và nổi tiếng. Đấy chưa kể cậu ta thật sự thông minh, điều này lý giải vì sao sau này Juan được trao giải quán quân Mr World. Trong một lần thi trên nước, chúng tôi phải dùng những đoạn trúc và một tấm mút to để vượt nước. Juan là đội trưởng đã nghĩ ra cách cắt tấm mút đó bằng chính sợ dây thừng, để tấm mút không bị vỡ…
Các thí sinh châu Á hầu như đều ngại giao tiếp, một phần vì tiếng Anh không nhiều, lại nói giọng Nam Á nên có thể mọi người mất tự tin. Chỉ có tôi và cậu thí sinh người Trung Quốc, Tony Jiang. Cậu ấy từng du học ở Canada nên việc nói tiếng Anh giọng Mỹ đối với cậu không khó khăn gì. Còn tôi thì “điếc không sợ súng”, cứ nói thoải mái và tỏ ra tự tin nên ai cũng “ấn tượng”. Có thể họ ấn tượng vì sự tự tin và hồ hởi của tôi. Cứ hình dung mỗi sáng ra tôi bắt tay và chào “Ni hao” với gần hết từng ấy thí sinh, chưa kể người của ban tổ chức nữa, cũng đáng để liệt tôi vào danh sách những thí sinh ấn tượng…
Hôm tập cho đêm chung kết, khi đọc thí sinh đứng lên phía trước, tôi chưa kịp đi xuống thì cậu thí sinh người Tây Ban Nha, Juan, đã băng lên, kết quả là hai chúng tôi lao đầu vào nhau như những chú bò tót hiếu thắng. Vì bị bất ngờ nên cả hai đều đau điếng, nhưng cậu ấy rất biết cách xin lỗi và an ủi. Đến khi nhận được danh hiệu Mr World 2007 trong pháo hoa và nước mắt , Juan vẫn không quên nắm lấy tay tôi và bảo “Này, mày còn nhớ tao không? Chính tao đã húc vào đầu mày”. Trong bữa tiệc chia tay cậu ấy bảo “Về Tây Ban Nha rồi, sẽ không thể quên được cú húc đầu ấn tượng đó!”.
Rưng rưng thấy Việt Nam được hô vang
![]() |
Ảnh: Lala Model. |
Chúng tôi sống trong khuôn viên khách sạn được cách ly biệt lập. Thậm chí, để tránh những rắc rối và ganh tỵ không đánh có, ban tổ chức giữ bí mật phòng của các thí sinh. Du khách đến Hải Nam nghỉ ngơi vào thời gian này đa phần là nữ giới. Họ thường đứng phía xa xa để chụp ảnh chúng tôi. Nhưng chỉ buổi sáng và buổi tối, vì ban ngày chúng tôi liên tục phải đi thăm ngoại cảnh, quay video clip và chụp hình nếu không có những cuộc thi tranh giải phụ.
Lúc đầu cách quản lý chặt chẽ của họ cũng khiến chúng tôi thấy bị ức chế, nhất là các vệ sĩ phải canh chừng 24/24. Chúng tôi đi nhà vệ sinh cũng có người dắt đi và đứng đợi ở phía ngoài. Tôi đem sự khó chịu này tâm sự với Hoa hậu VN 2006 Mai Phương Thuý. Thuý động viên tôi rất nhiều và có thể ngồi hàng giờ trên Internet truyền đạt kinh nghiệm với tôi. Rất may những buổi tối sau này khá “open”, thích đi bất cứ đâu chơi cũng được nhưng phải dậy đúng giờ và không làm ảnh hưởng đến người khác. Nhưng thực ra họ có mặt cạnh bạn bất kỳ lúc nào mà bạn không thể biết được. Chấm giải Hoa vương cũng bắt đầu bằng những theo dõi nhỏ nhặt nhất. Chính vì thế, sau một ngày làm việc quá vất vả, và biết được có sự theo dõi nên đa phần các thí sinh đều đi nghỉ sớm.
Trong một buổi party, trao giải cho phần thi tài năng, bà chủ tịch Mr World đứng lên xướng tên Việt Nam làm tôi chuyển từ bất ngờ sang hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi thấy tự hào như vậy trước bạn bè thế giới. Bà ấy nói rằng, rất ấn tượng về bộ trang phục áo dài, khăn xếp của tôi, rất xứng đáng được nhận giải Người mặc trang phục dân tộc đẹp nhất. Còn bất ngờ hơn nữa là không ai có thể biết bà chủ tịch là ai? Vậy mà chính bà đã khen ngợi bộ trang phục của tôi.
Thực ra lúc ở Việt Nam tôi đã tập rất kỹ những màn nhảy đủ cả từ cổ điển đến hip hop… Nhưng sau khi thấy các thí sinh châu Phi nhảy quá đẹp, tôi không còn tự tin được nữa. Tôi vội chạy lên phòng tìm bộ áo dài khăn xếp, cứ mặc xuống rồi tính. Tôi bắt đầu có ý định sẽ hát một bài để đi kèm bộ trang phục này. Tình ca được tôi lựa chọn đầu tiên nhưng lại không có nhạc. Giải pháp cuối cùng với bài Trống cơm rất hợp lý, cả hội trường vỗ tay và hát theo mà không cần một nhạc cụ đệm cùng nào. Có lẽ chính vì thế bộ trang phục dân tộc do nhà thiết kế Việt Hùng tặng tôi đã gây được sự của ý của bà chủ tịch.
Và không thể quên người Hải Nam
Con người ở đây thật dễ mến, từ nhân viên khách sạn đến bảo vệ và đến cả những người dân quanh khu vực đó. Thành phố Tam Á không lớn nên hoạt động tầm cỡ quốc tế này giống như một ngày hội của toàn dân. Dẫu biết Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ… từng được tổ chức ở nơi đây, có thể người dân đã bão hoà với những hoạt động kiểu này, nhưng không, thấy chúng tôi họ vẫn vẫy tay chào, mua vé đi xem chật kín hội trường lớn. Những câu “Ni hao”, “Welcome Sanya” luôn thường trực trên môi những người dân nơi đây. Các thành viên trong Ban tổ chức cũng giúp đỡ chúng tôi nhiệt tình hết mức có thể. Bạn có thể tưởng tượng không, vào lúc 12h đêm, tôi đã hết card điện thoại mà cần liên lạc về Việt Nam gấp, chỉ cần một câu nhờ, họ chạy đi mua giùm ngay. Họ cho chúng tôi cảm giác họ được hạnh phúc khi chúng tôi có mặt ở nơi này. Hải Nam những ngày thật đáng nhớ.
Hồ Đức Vĩnh
(Theo Người Đẹp)