Nằm ở vùng ven Biển Đỏ của Ai Cập, Wadi al-Jarf từng là một trung tâm nhộn nhịp cách đây hơn 4.000 năm. Tầm quan trọng về mặt lịch sử của Wadi al-Jarf được củng cố năm 2013 khi giới nghiên cứu tìm thấy 30 cuộn giấy cói cổ nhất thế giới giấu trong hang động đá vôi nhân tạo ở đó. Những cuộn giấy Biển Đỏ này có ý nghĩa đặc biệt về mặt nội dung. Không chỉ hé lộ quá khứ là cảng biển tấp nập của Wadial-Jarf, chúng còn chứa ghi chép tận mắt của một người đàn ông tên Merer, tham gia xây dựng Đại kim tự tháp Giza, theo National Geographic.
Di chỉ Wadi al-Jarf được phát hiện lần đầu tiên năm 1823 bởi du khách kiêm nhà nghiên cứu đồ cổ người Anh John Gardner Wilkinson. Năm 2008, nhà Ai Cập học người Pháp Pierre Tallet chỉ đạo một loạt cuộc khai quật giúp xác định Wadi al-Jarf là cảng biển quan trọng có niên đại 4.500 năm dưới thời pharaoh Khufu trị vì và xây dựng Đại kim tự tháp. Nhóm của Tallet phát hiện Wadi al-Jarf là trung tâm kinh tế sôi động với hoạt động buôn bán vật liệu dùng để xây kim tự tháp ở xa 241 km. Bằng chứng khảo cổ đến từ nhật ký của Merer nằm trong số những cuộn giấy cói.
Wadi al-Jarf bao gồm một số khu vực khác nhau, trải rộng hơn vài kilomet giữa sông Nile và Biển Đỏ. Từ hướng sông Nile, khu vực đầu tiên cách bờ biển khoảng 4,8 km chứa 30 hang động đá vôi lớn dùng để lưu trữ. Đây chính là nơi phát hiện các cuộn giấy cói. Tiếp tục về hướng đông thêm 457 m là một loạt trại và sau đó, có một tòa nhà bằng đá lớn chia thành 13 gian song song. Nhóm khảo cổ suy đoán tòa nhà được dùng làm nơi ở. Cuối cùng, ở ven biển là bến cảng có nơi cư trú và không gian lưu trữ. Dựa vào gốm và chữ khắc tìm thấy tại di chỉ, các nhà nghiên cứu có thể xác định niên đại của tổ hợp cảng là vương triều thứ 4 của Ai Cập, cách đây 4.500 năm. Họ cho rằng bến cảng mở cửa dưới thời pharaoh Sneferu và bỏ hoang vào cuối thời trị vì của con trai ông là Khufu. Tuy hoạt động trong thời gian ngắn, bến cảng góp phần giúp xây dựng lăng mộ của pharaoh Khufu.
Cùng với cuộn giấy cói, nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng khác tại đó hé lộ tầm quan trọng của bến cảng. Cấu trúc lớn như cầu tàu dài 183 m cho thấy sự đầu tư mạnh vào vật liệu trong khu vực. Tallet và cộng sự còn tìm thấy 130 mỏ neo, chứng tỏ bến cảng rất tấp nập. Từ bến cảng, tàu của pharaoh chạy qua Biển Đỏ tới bán đảo Sinai sở hữu nhiều đồng. Đồng là kim loại cứng nhất có sẵn khi đó và người Ai Cập cần nó để cắt đá xây kim tự tháp khổng lồ của pharaoh. Khi quay lại cảng, những con tàu Ai Cập chở đầy đồng. Giữa các chuyến đi, tàu được cất trong hang động đá vôi.
Sau khi cảng Wadi al-Jarf ngừng hoạt động vào thời gian pharaoh Khufu qua đời, một đội đến từ Giza phong kín buồng chứa đẽo từ đá vôi. Trong quá trình chặn hang động đá vôi, ghi chép trên giấy cói của Merer nhiều khả năng mặc kẹt giữa những tảng đá. Chúng nằm giữa sa mạc suốt 4,5 thiên niên kỷ cho tới khi phát hiện trong một đợt khai quật của Tallet năm 2013. Những cuộn giấy Biển Đỏ được tìm thấy vào ngày 24/3 cùng năm gần lối vào buồng chứa số hiệu G2. Nhóm của Tellet thu thập tập giấy cói thứ hai và lớn nhất kẹt giữa các tảng đá trong ở buồng chứa G1.
Cuộn giấy Biển Đỏ gồm vài loại tài liệu, nhưng ghi chép của Merer thu hút nhiều sự chú ý nhất. Là trưởng đội công nhân, Merer duy trì ghi chép về các hoạt động của đội trong nhật ký. Đó là ghi chép hàng ngày về công việc đội của ông thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng xây dựng Đại kim tự tháp.
Đội của Merer bao gồm khoảng 200 công nhân di chuyển khắp Ai Cập và chịu trách nhiệm thực hiện mọi công việc liên quan tới xây Đại kim tự tháp. Đáng chú ý nhất là những khối đá vôi dùng để ốp kim tự tháp. Merer ghi lại chi tiết cách họ thu thập đá từ khu mỏ Tura và vận chuyển tới Giza bằng thuyền.
Những công nhân trong nhóm Merer sẽ chất khối đá vôi lên thuyền, chuyển dọc theo sông Nile, theo dõi kiểm đếm ở khu quản lý trước khi chuyển tới Giza. Một mảnh từ nhật ký mô tả hành trình 3 ngày từ mỏ đá tới chỗ kim tự tháp. Ngày hôm sau, Merer và cả đội quay trở lại mỏ đá để vận chuyển chuyến mới.
Nhật ký của Merer thậm chí tiết lộ một trong những kiến trúc sư của kim tự tháp. Ankhhaf, Khufu, anh em cùng cha khác mẹ với Khufu giữ chức "chỉ huy mọi công trình của nhà vua". Merer cũng cẩn thận theo dõi tiền công của cả đội. Do dưới thời pharaoh Ai Cập không có tiền tệ, tiền lương được trả bằng ngũ cốc với đơn vị cơ bản là ration. Công nhân nhận được nhiều hay ít tùy theo cấp bậc của họ. Theo cuộn giấy cói, bữa ăn cơ bản của các công nhân gồm bánh mỳ làm từ men, bánh mỳ dẹt, nhiều loại thịt, quả chà là, mật ong, quả đậu và bia.
Giới sử gia từ lâu tranh cãi về địa vị của lực lượng lao động lớn xây Đại kim tự tháp. Nhiều người cho rằng những công nhân là nô lệ, nhưng cuộn giấu Biển Đỏ cung cấp thông tin trái ngược. Ghi chép chi tiết về tiền công của Merer chứng minh những người xây kim tự tháp là công nhân lành nghề được chi trả cho công sức làm việc của họ.
An Khang (Theo National Geographic)