Năm nào cũng vậy, bác sĩ và nhân viên y tế trực mùng 1 Tết tại các phòng khám cấp cứu của bệnh viện đều có may mắn là được nhàn rỗi cả buổi sáng, chỉ lác đác bệnh nhân đến khám. Từ chiều trở đi bệnh nhân rất đông, thậm chí là đông hơn ngày thường.
8h00’... Các vị trí bàn giao tua trực.
Tại Phòng khám Cấp cứu Ngoại, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu cả ngày 29 Tết (ngày tất niên) bằng một nửa so với ngày thường, khoảng 60% vì tai nạn giao thông, số còn lại chủ yếu với lí do đau bụng. Bác sĩ Thắng cho biết: trực Tất niên năm nay, khối Phòng khám cấp cứu ngoại thấy "yên bình" hơn hẳn những năm trước, chỉ có 4 bệnh nhân chấn thương nặng phải mổ cấp cứu, trong đó có một bệnh nhân chấn thương sọ não, không có tình trạng bệnh nhân và người nhà say rượu vào quậy phá và dọa nạt nhân viên y tế.
Khoảng 2 năm trước, trực ngày lễ và ngày Tết thật sự là nỗi ám ảnh vì bệnh nhân gia tăng đột biến so với ngày thường, nhân viên y tế ngoài việc lo lắng cấp cứu bệnh nhân nặng còn phải chịu áp lực từ phía gia đình người bệnh yêu cầu phải được mổ sớm. Hai năm trở lại đây, do một số nguyên nhân khách quan, trong đó phải kể đến sự đóng góp của công an 141 duy trì trật tự an ninh, vì thế mà số vụ tai nạn giao thông và tai nạn thương tích giảm hẳn, nhân viên y tế cũng giảm được áp lực đáng kể và cảm thấy yên tâm hơn nhiều trong những đêm trực.
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, bác sĩ Vân (phó khoa) cho biết: khoa đang có nhiều trẻ bị viêm phổi nặng, tua trực ngày 29 Tết không ai được ngủ, phải thức trắng đêm bên giường bệnh để theo dõi diễn biến của từng trẻ.
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội, bác sĩ Xuân với vẻ mặt bơ phờ, đang ngồi nghỉ lấy lại sức sau ngày trực cuối năm mệt mỏi và căng thẳng. Chị Xuân cho biết phiên trực của chị có nhiều bệnh nhân nhập viện rất nặng, do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh đột ngột nên người già dễ bị tai biến mạch máu não, bị tái phát bệnh phổi mãn tính và bệnh tim mạch. Chiều 30 Tết, Khoa này có 1 bệnh nhân tử vong, 4 bệnh nhân diễn biến xấu gia đình viết đơn xin về.
Chị Xuân kể, suốt 24 giờ qua cả kíp trực không biết đến không khí Tết, dù quá căng thẳng và quá mệt nhưng kíp trực rất vui vì đã cứu sống một bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim. Sau một tiếng vừa ép tim, vừa tiêm thuốc và bóp bóng ôxy, bệnh nhân 67 tuổi này đã có tim đập trở lại, vài tiếng sau đã tự thở. Chưa hết bệnh nhân này, chị và đồng nghiệp lại phải ép tim ngoài lồng ngực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho một bệnh nhân khác. Cứ liên tục như vậy cho đến 8 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Bên ngoài cửa Khoa Hồi sức Cấp cứu, nhiều người nhà đang kể cho nhau nghe về việc các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân nặng. Ai cũng bất ngờ, rồi ái ngại cho bác sĩ vất vả, trực Tết mà chẳng khác gì ngày thường.
10h 30’... Quang cảnh bệnh viện vẫn yên bình.
Quầy thuốc bệnh viện lác đác có người vào mua, khác hẳn với ngày thường xếp hàng chờ không biết bao giờ mới đến lượt.
Tại Phòng khám Nhi, sáng mùng 1 Tết vắng vẻ. Nhưng theo sổ giao ban cho thấy ngày cuối năm số lượng bệnh nhân đến khám không hề giảm so với ngày thường. Hầu hết trẻ viêm đường hô hấp trên, nhiều trẻ nặng chuyển sang viêm phổi. Điều này hơi khác so với các năm trước khi trẻ lũ lượt đến bệnh viện vì đau bụng, nôn và ỉa lỏng.
Bác sĩ Thu, Khoa Nhi tổng hợp đang khám cho các cháu mới nhập viện ngày hôm trước. Chị tâm sự: Tất niên năm nay thời tiết thay đổi đột ngột, trời đang nóng bỗng dưng chuyển sang lạnh, các cháu rất dễ bị viêm đường hô hấp, bố mẹ lại bận lo việc Tết nên nhiều cháu nhập viện trong tình trạng đã bị viêm phổi nặng.
Bác sĩ Thái Bằng Giang kể chiều tất niên, có mấy chị đến Khoa Sơ sinh tặng trẻ em nghèo đang điều trị tại khoa 30 cặp bánh chưng và 4 triệu đồng tiền mặt. Anh đã thay mặt gia đình bệnh nhân cám ơn các chị, hỏi tên tuổi địa chỉ nhưng các chị nhất định không chịu nói vì họ muốn lặng lẽ mang chút vật chất để xoa dịu bớt nỗi đau bệnh tật cho các cháu nhỏ. Bệnh viện vẫn luôn nhận được rất nhiều tấm lòng từ thiện như thế, nhất là dịp Tết đến xuân về.
12h 00’... Tranh thủ bóc bánh chưng, cắt giò chả ăn trưa để chuẩn bị cho một buổi chiều làm việc vất vả như các năm vẫn thường diễn ra.
14h 00’... Bệnh nhân bắt đầu đến bệnh viện đông dần, người già và trẻ em bị viêm đường hô hấp cấp, đau bụng và nôn cũng nhiều.
Một ông bố trẻ ở Mê Linh (Hà Nội) đưa con 6 tuổi đến khám vì bị đau bụng quanh rốn, nôn và đi ngoài từ chiều qua. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa, bị mất nước do nôn và đi ngoài nhiều nên mệt lả, rồi cho truyền dịch. Ông bố kể mấy ngày cháu nghỉ học, ở nhà đông đủ mọi người, lại có nhiều trẻ con hàng xóm sang chơi nên cháu vui miệng ăn đủ thứ, hết bánh kẹo đến xôi chè, thịt cá đủ loại. Anh chiều con nên để cháu ăn thoải mái, thích gì ăn đấy, thành ra đau bụng... Trường hợp như nhà ấy không phải là hiếm. Ngay cả người lớn cũng mắc.
16h 00’... Bệnh nhân đến viện càng ngày càng đông, nhưng không đông như hai năm về trước. Năm nay đặc biệt, từ sáng đến giờ chưa có trường hợp nào say rượu, chưa có tai nạn giao thông. Những năm trước khoảng 1 - 2 h chiều mùng 1 trở đi là rất nhiều bệnh nhân tai nạn, chủ yếu do say rượu không làm chủ được khi lái xe. Bác sĩ trực Tết sợ nhất là bệnh nhân kiểu này và tai nạn thương tích, do kèm theo rượu bia nên hệ lụy kèm theo rất phức tạp.
Hy vọng hết tua trực mùng 1 Tết hôm nay mình và đồng nghiệp sẽ tiếp tục được "bình yên" như thế này!
Bác sĩ Trần Văn Phúc