Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho biết axit benzoic (INS 210) là phụ gia thực phẩm chống nấm mốc được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex Alimentarius Commision) cho phép sử dụng. Hiện 189 nước là thành viên ủy ban và dùng chuẩn Codex, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản.
Theo bà Nga, Việt Nam cho phép sử dụng axit benzoic với hàm lượng tối đa 1 g/kg tương ớt, như quy định của Codex, là "mức an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng".
Nhật Bản sử dụng axit benzoic để bảo quản các thực phẩm như trứng cá muối (tiêu chuẩn 2,5 g/kg), bơ thực vật (1 g/kg), nước ngọt, siro, nước tương (1 g/kg)... Riêng tương ớt, quy định của Nhật không nêu rõ tên mà chỉ ghi chung là "các loại sốt" và cho phép dùng nysin làm chất bảo quản.
Cổng thông tin điện tử thành phố Osaka (Nhật Bản) cuối tuần qua thông báo thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm. Phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41 g/kg, 0,44 g/kg và 0,45 g/kg. Điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản quy định "không đáp ứng tiêu chuẩn thì không được lưu hành".
Nước tương Chin-su do Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sản xuất. Công ty này phản hồi chưa xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp sản phẩm cho thị trường Nhật, có thể "là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ". Masan cũng khẳng định tuân thủ quy định về axit benzoic theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Ngày 8/4, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết chưa nhận được thông tin từ Nhật Bản về việc thu hồi số tương ớt Chin-su cũng như nguyên nhân. Tuy nhiên, qua các cơ quan truyền thông, nguyên nhân thu hồi do trong tương ớt có chất bảo quản axit benzoic.
Axit benzoic là chất có tác dụng kháng nấm nên thường được dùng làm phụ gia trong thực phẩm. Axit benzoic kết hợp với vitamin C có trong thực phẩm tạo thành phản ứng hóa học hình thành benzene là chất gây ung thư. |