“Năm tới, nhiều quốc gia sẽ tổ chức bầu cử, sẽ có biến động trong thành phần Chính phủ”, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản - Motegi cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo hôm qua, “Cân nhắc điều này, chúng ta nên ký hiệp định trước thời điểm đó”.
Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật không nêu cụ thể thành viên hay mốc thời gian nào. Dù vậy, theo kế hoạch, Malaysia sẽ có bầu cử giữa năm tới. Mexico cũng tổ chức sự kiện tương tự vào tháng 7.
Thách thức hiện tại là không phải quốc gia nào cũng muốn nhanh. Canada luôn bảo vệ quan điểm có hiệp định chất lượng nhất, lợi nhất cho nước này, chứ không phải nhanh nhất. Các cuộc đàm phán về sản phẩm và dịch vụ về văn hóa của Canada vẫn cần được hoàn tất. Các quy định chi tiết về doanh nghiệp nhà nước và trừng phạt thương mại cũng cần được làm rõ.
“Canada đã đột ngột đưa ra quan điểm về văn hóa vào phút chót”, ông Motegi cho biết, khi đề cập đến cuộc đàm phán tại Việt Nam tuần trước. Ông cũng nhấn mạnh định nghĩa về ngoại lệ văn hóa (cultural exception) cũng chưa được các nước thống nhất.
“Canada sẽ phải trình bày chi tiết quan điểm của mình với từng nước để các nước hiểu. Tôi cho rằng phía Canada sẽ phải mất nhiều nỗ lực đấy”, ông nhận định.
Mỹ đã rút khỏi TPP đầu năm nay, khiến 11 nước phải tổ chức nhiều vòng đàm phán trong năm qua, để đạt thỏa thuận khung mới và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
*CPTPP khác TPP thế nào
Khi khả năng Mỹ sớm quay lại được đánh giá là thấp, ông Motegi cho biết Nhật sẽ tiếp tục nỗ lực giúp CPTPP có hiệu lực. Hiệp định này đã đình chỉ thực hiện 20 điều khoản ban đầu. Chúng đều hấp dẫn với Mỹ và có thể được kích hoạt trở lại để thuyết phục nước này, ông Motegi cho biết.
Để CPTPP hoàn tất, các nước cần đàm phán thêm về điều khoản liên quan đến trừng phạt và người lao động. Nhật sẽ tiếp tục dẫn dắt các cuộc nói chuyện giữa 11 quốc gia.
Hà Thu (theo Bloomberg)