"Đây là thực tế. Ngày hội lúc nào cũng đông người nhưng không ai tới đây", một trong hai binh sĩ ở quầy tuyển quân cho biết. Bên cạnh anh là xấp tờ rơi giới thiệu về quân đội đặt trên bàn gần xe bọc thép màu xanh lá cây.
Nhật Bản tăng mạnh chi tiêu quốc phòng những năm gần đây do e ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và tần suất các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
![Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản duyệt binh tại bãi huấn luyện ở Asaka, tỉnh Saijtama, ngày 14/10/2018. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/10/12/33xx3cz-highres-1697080858-169-4063-4259-1697081169.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IFhnMHCiQhq2RZoJZbveWg)
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản duyệt binh tại bãi huấn luyện ở Asaka, tỉnh Saijtama, ngày 14/10/2018. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, hồi tháng 7, một nhóm chuyên gia đưa ra báo cáo nêu bật nguy cơ lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ suy yếu vì thiếu nhân sự. Nước này đã bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 1945. Từ năm 1990 tới nay, số lượng binh sĩ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã giảm hơn 7% xuống còn dưới 230.000.
Năm 2022, chưa tới 4.000 người nhập ngũ, chưa đạt một nửa chỉ tiêu. Lần gần nhất quân đội Nhật Bản đạt chỉ tiêu tuyển quân là năm 2013.
Nhiều nền kinh tế phát triển gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự nhưng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản, nơi 1/10 dân số trên 80 tuổi.
Theo các binh sĩ đang phục vụ và những người đã giải ngũ, nhân khẩu học chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân. Yichi Kimura, 45 tuổi, cựu lính dù đang điều hành một công ty hỗ trợ cựu quân nhân tìm việc làm, cho biết "tôi rất xấu hổ khi nói mình từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ. Tôi không cảm thấy tự hào".
Nhuệ khí suy giảm do "lương thấp" và lực lượng vũ trang "thiếu tham vọng", Kimura nói. Lực lượng vũ trang chỉ đóng vai trò phòng thủ, theo Hiến pháp Hòa bình của Nhật kể từ sau Thế chiến II.
Ngoài ra, nhiều người nhập ngũ với mong muốn giúp đỡ đất nước khi thiên tai xảy ra, nhưng thất vọng khi phải thực hiện nhiệm vụ quân sự. "Đa số binh sĩ không nghĩ đến quốc phòng lúc mới nhập ngũ", Kohei Kondo, 25 tuổi, cựu trung sĩ, nói.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định chỉ tuyển ứng viên đủ tiêu chuẩn nhưng theo truyền thông, các tiêu chuẩn đã hạ xuống, trong đó có bài kiểm tra tâm lý. Hồi tháng 6, một tân binh đã bắn chết hai huấn luyện viên trong trường bắn của quân đội.
Nhật Bản "tuyển dụng bất kỳ người nào bởi không ai nghĩ rằng sẽ có xung đột vũ trang thực sự xảy ra", Kimura nói.
Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản năm 2018 tăng độ tuổi tối đa của tân binh từ 26 lên 32. Một giải pháp khác là sử dụng nhiều phương tiện không người lái hơn trên không, trên biển và trên bộ. Quân đội còn được cho là đang xem xét cho phép người có hình xăm nhập ngũ.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ quân nhân từ 9% lên 13% trước năm 2030. Trên trang web của Bộ Quốc phòng đăng ảnh các nữ quân nhân tươi cười kèm cam kết "môi trường phù hợp cho phụ nữ".
Tuy nhiên, Fumika Sato, giáo sư xã hội học quân sự và xã hội học giới tính tại Đại học Hitotsubashi, khoảng cách từ ý tưởng tới thực tế rất xa. Bà nhận định quân đội "là môi trường dễ xảy ra hành vi quấy rối và bạo lực tình dục".
![Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cúi đầu xin lỗi cựu quân nhân Rina Goinoi tại Tokyo ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/10/12/000-333x89n-7000-1697081169.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vxR6BuvdKxGTb_QKFIHcwg)
Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cúi đầu xin lỗi cựu quân nhân Rina Goinoi tại Tokyo ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP
Quân đội Nhật Bản năm qua chấn động bởi hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục. Rina Gonoi, cựu quân nhân, gây chú ý vào năm 2022 khi công khai tố cáo cô đã bị tấn công tình dục bởi các nam sĩ quan say rượu trong quá trình huấn luyện hồi năm 2021. Các quan chức quốc phòng sau đó thừa nhận việc này đã xảy ra và xin lỗi cô.
Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy những cáo buộc tình dục này ảnh hưởng tới công tác tuyển quân, nhưng từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, số lượng tân binh nữ đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, số lượng tân binh nữ đều tăng hàng năm, kể từ năm 2017.
"Làm gì có bậc cha mẹ nào để con gái tham gia một tổ chức như thế", một binh sĩ giấu tên nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)