Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera vẽ ra kịch bản giả định trên trong chuyến thăm Washington hôm qua, khi ông tìm cách giải thích chính sách mới gây tranh cãi của chính phủ Nhật. Sau khi hiến pháp được diễn giải lại, lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ không còn bị hạn chế trong vai trò tự vệ chỉ trong nước như hàng thập kỷ qua.
Nếu các tàu chiến Mỹ được điều đến để bảo vệ Nhật Bản và những tàu này bị tấn công, "hiến pháp được diễn giải lại nói rằng chúng tôi có thể hỗ trợ", AFP dẫn lời ông Onodera phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc hỗ trợ đồng minh là điều tất yếu mà một quốc gia nên làm. "Sự thay đổi trong chính sách nên được hiểu theo cách này", ông nói.
Theo Onodera, việc điều chỉnh hiến pháp hòa bình sẽ củng cố mối liên kết đồng minh giữa Tokyo với Washington và mở đường cho những hình thức hợp tác quân sự mới.
"Chúng tôi tin rằng điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ với Mỹ", bộ trưởng nói. Ông cũng lập luận rằng, quyết định này giúp Nhật Bản bảo vệ người dân tốt hơn và ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng.
Chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản vấp phải sự phản đối gay gắt trong nước và một số nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Bắc Kinh đang có tranh chấp với Tokyo về chủ quyền một quần đảo không người sinh sống trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, Mỹ hoan nghênh bước ngoặt này và trong một cuộc họp báo chung với ông Onodera trước đó tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã ca ngợi sự thay đổi của Tokyo.
"Quyết định táo bạo, mang tính lịch sử và bước ngoặt này sẽ giúp Nhật Bản tăng cường đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu, mở rộng vai trò trên vũ đài thế giới", ông Hagel nói.
Theo ông Onodera, Nhật Bản đã lần đầu tiên tăng chi tiêu quốc phòng suốt nhiều năm qua và đang cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa mang "tầm cỡ thế giới", thành lập các đơn vị đổ bộ và tăng cường lực lượng hàng hải để bảo vệ các đảo.
Sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được xem là một nỗ lực nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn và lập trường chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Ông Onodera nói Nhật Bản luôn sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhưng "trước những hành động đơn phương, chúng tôi chắc chắn phải đáp trả".
Anh Ngọc