Các quan chức Australia hôm qua cho biết nước này sẽ không đấu thầu rộng rãi việc thay thế các tàu ngầm lớp Collins cũ. Trong khi đó, Canberra đang nghiêng về khả năng thay thế lớp tàu cũ bằng loại Soryu có trọng tải 4.000 tấn do các công ty của Nhật đóng, theo Reuters.
Hồi tháng 9, Australia để ngỏ khả năng mua khoảng 12 chiếc tàu ngầm từ Nhật, bất chấp áp lực phải tự sản xuất trong nước. Kể từ đó, một vài nhà thầu quốc phòng châu Âu cho hay họ có giá cạnh tranh so với Nhật và xúc tiến nhằm giành được một phần của gói hợp đồng trị giá gần 34 tỷ USD.
Công ty quốc phòng Saab của Thụy Điển, nhà thầu hải quân DCNS của Pháp và ThyssenKrupp của Đức đều bày tỏ mối quan tâm đến dự án của Australia.
Tuy nhiên, chính phủ Australia không có thời gian để đấu thầu rộng rãi. "Chúng tôi phải đưa ra quyết định bây giờ và chúng tôi không có thời gian để xem xét", Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey nói.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cho hay chưa có nhà sản xuất tàu ngầm nào được chọn.
"Tôi nghĩ Nhật Bản là lựa chọn duy nhất cho Australia vì cả Đức, Pháp hay Thụy Điển đều đóng các tàu ngầm loại 4.000 tấn chạy bằng diesel", một cựu quan chỉ huy hải quân cấp cao Nhật cho biết.
Một số nguồn tin nói với Reuters rằng Australia muốn có một hệ thống đẩy bằng pin lithium-ion mới, điều các chuyên gia đánh giá sẽ giúp tàu ngầm có tầm hoạt động sâu hơn và tốc độ nhanh hơn các loại chạy bằng diesel - điện. Thế hệ tàu ngầm mới Soryu của Nhật sẽ là loại đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ mới nói trên.
Thủ tướng Australia Tony Abbott từng hứa hẹn các tàu ngầm sẽ do công ty ASC thuộc sở hữu chính phủ nước này thực hiện. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Johnston nói rằng ông không tin tưởng ASC "có thể đóng một chiếc xuồng". Ông này sau đó phải lên tiếng xin lỗi.
Australia dự kiến phải đưa ra quyết định cuối cùng về quốc phòng vào đầu năm tới. Nếu khả thi, thỏa thuận giữa Australia và Nhật sẽ đưa Tokyo trở lại thị trường vũ khí thế giới, sau vài tháng Thủ tướng Shinzo Abe quyết định diễn giải lại hiến pháp, giúp chấm dứt việc cấm xuất khẩu vũ khí.
Khánh Lynh