Hôm 11/12, cảnh sát tới kiểm tra căn hộ ở quận Minato, thành phố Osaka và phát hiện thi thể đang phân hủy của hai mẹ con. Tủ lạnh của họ không còn chút thực phẩm nào, nhà đã bị cắt nước, cắt gas và trong ví của người mẹ già chỉ còn vỏn vẹn 13 yen.
Cảnh sát cho hay hai nạn nhân đã tử vong nhiều tháng và họ chỉ tới căn hộ kiểm tra sau khi nhận tin báo từ em gái của người phụ nữ già về việc chị mình không liên lạc gì trong thời gian dài. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy họ chết do suy dinh dưỡng, người mẹ chỉ nặng khoảng 30 kg khi qua đời.
Tờ Mainichi đưa tin hai người phụ nữ đã sống trong căn hộ này khoảng 10 năm và ban đầu rất tích cực tham gia cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, đầu năm nay, người con nghỉ việc. Họ thú nhận với bạn bè rằng không còn tiền và đang sống nhờ tiền hỗ trợ từ họ hàng.
Theo giới chức Osaka, cả hai mẹ con đều không nộp đơn xin hay nhận được trợ cấp xã hội, nghĩa là hoàn cảnh của họ không được văn phòng phúc lợi địa phương biết tới.
Hai mẹ con không thanh toán tiền mua báo đúng hạn, nên nhân viên bán báo địa phương nhiều lần tới nhà hỏi thăm, nhưng họ không mở cửa. Họ cuối cùng không trả hóa đơn nước, nên bị cắt nước từ giữa tháng 11.
Cái chết của hai mẹ con khiến nhiều người Nhật bàng hoàng. "Cả hai thường đi siêu thị cùng nhau, biết cách ăn mặc và không có vẻ là họ gặp rắc rối. Cơ sự làm sao ra nông nỗi này", một phụ nữ 73 tuổi quen biết hai mẹ con cho hay.
"Mối liên kết của mọi người với cộng đồng ngày nay đang ngày càng mờ nhạt. Thật buồn khi chuyện như vậy lại xảy ra ở đây", một hàng xóm ngoài 70 tuổi nói.
"Khi tôi còn nhỏ, cảnh sát khu vực thường ghé thăm khi chúng tôi chuyển tới nhà mới, nhưng họ giờ không làm vậy nữa", Yasuyuki Gondo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Osaka, người chuyên nghiên cứu về người cao tuổi, cho biết. "Điều này được cho là tôn trọng quyền tự do cá nhân".
Gondo cho hay hiện tượng này cũng xảy ra với hàng xóm sống trong một khu. "Mọi người có xu hướng ai biết nhà nấy, sợ xâm phạm đến đời tư người khác, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mạng lưới xã hội bị suy yếu", ông nói.
Hiện tượng kodokishi, tức những người chết một mình và không được phát hiện, lần đầu tiên được xác định ở Nhật Bản vào những năm 1980, dù có một số bằng chứng cho thấy hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi hầu hết các gia đình hạt nhân không còn tồn tại và nhiều người sống một mình.
Các trung tâm hỗ trợ khắp Nhật Bản gần đây nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ từ những người đối mặt với đói nghèo, dường như do đại dịch Covid-19. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tuần này cho biết có hơn 390.000 trường hợp xin tư vấn đã được ghi nhận tại các trung tâm từ tháng 4 đến tháng 9, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Những người đang gặp khó khăn có thể được hướng dẫn cách làm đơn xin trợ cấp chính phủ do mất thu nhập hoặc xin hỗ trợ về y tế. Một số trung tâm còn tư vấn về cơ hội việc, dù tương đối hiếm, trong khi các chính quyền địa phương còn phân phát các gói thực phẩm. Người vô gia cư, nhất là các gia đình, còn được chính quyền bố trí lưu trú tại các khách sạn.
Các trung tâm hỗ trợ ghi nhận lượng người xin tư vấn cao nhất là 95.000 trường hợp hồi tháng 4, dường như do mất việc làm và thu nhập giảm vì đại dịch, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 40.000 vào tháng 7.
Tuy nhiên, các cơ quan phúc lợi cảnh báo rằng con số một lần nữa đang tăng lên khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này vượt ngưỡng 200.000, với hơn 2.800 ca tử vong.
Anh Ngọc (SCMP)