Tại Nhật Bản, trước khi thảm họa xảy ra, sữa, sữa chua và gạo là vài trong số những sản phẩm do trong nước tự cung tự cấp gần như 100%. Tuy nhiên, 3 tuần sau trận động đất sóng thần lịch sử, những sản phẩm thiết yếu trên vẫn chưa xuất hiện trở lại trên các cửa hàng khắp đất nước này.
Ví dụ đối với sữa, sản lượng tại Meiji Holding, hãng sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản đã giảm từ 20 đến 50% so với trước thảm họa động đất sóng thần, chủ yếu vì tình trạng mất điện liên miên tại khu vực quanh Tokyo. Đặc biệt là với sữa chua, vốn cần ít nhất 4 đến 7 tiếng để làm đông và lên men, chỉ cần một cú mất điện cũng có thể phá hỏng mẻ sản xuất của cả một ngày.
Trong khi đó, các nhà cung cấp điện lực đều cảnh báo tình trạng mất điện sẽ còn tiếp diễn ít nhất cho đến những tháng hè này, hoặc còn lâu hơn thế. Trước đó, hãng sữa Meiji thường cho ra 320.000 lít sữa chua mỗi năm.
Một người nông dân tại tỉnh Fukushima phải đổ sữa bò xuống mương vì nguy cơ nhiễm xạ khiến sữa của vùng này không được phép tiêu thụ. Ảnh: EPA |
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm xạ tại các vùng xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima cũng ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung thực phẩm trong nước. Trước tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc Nhật Bản nên cân nhắc lại hàng rào thuế quan và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để nhập khẩu gạo, sữa từ bên ngoài.
Từ nhiều năm nay, Nhật Bản đặt quyết tâm nâng cao tính tự cung tự cấp nguồn thực phẩm. Hiện nay, Nhật chỉ sản xuất 40% lượng thực phẩm nói chung mà người dân nước này tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp Nhật đặt mục tiêu tỷ lệ này sẽ tăng lên 50% vào năm 2020.
Với tình trạng đổ nát hiện nay, mục tiêu trên sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên các quan chức Chính phủ Nhật cho rằng vẫn còn quá sớm để biết cuộc khủng hoảng vừa rồi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách xuất nhập khẩu thực phẩm của Nhật.
Tuần trước, Thủ tướng Naoto Kan đã hoãn hạn chót quyết định việc Nhật có tham gia vào Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (gồm 9 nước Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam) hay không. Một trong số những điều khoản mà Hiệp định này đặt ra là dần dỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong vòng 10 năm.
Thanh Bình