Sau khi bị xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) đã đòi trả TP HCM 2.000 tấn rác mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng động thái này của VWS là hành vi "gây sức ép với chính quyền", đồng thời đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh rác ở Việt Nam.
Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả, nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại.
Thu gom và phân loại rác
Thùng rác công cộng trên đường phố Nhật Bản thường bao gồm nhiều thùng đặt liền nhau, theo Tofugu. Người dân ở đất nước này không chỉ cần phân loại và làm sạch rác theo chỉ dẫn, mà còn phải đảm bảo đổ rác đúng ngày và để rác đúng màu túi. Nếu làm sai, rác sẽ bị trả về cho chủ nhà.
Mỗi thành phố ở Nhật Bản đều phát cẩm nang chỉ dẫn về đổ rác. "Các vấn đề liên quan tới rác có thể dễ dàng gây rắc rối cho hàng xóm. Để tạo dựng cuộc sống dễ chịu cho cả bạn và những người khác trong cộng đồng, bạn cần tuân theo quy định của địa phương về thu gom rác", Hội đồng Truyền thông Quốc tế Tokyo nhấn mạnh.
Hệ thống phân loại rác của Nhật Bản tương đối phức tạp. Mỗi thành phố, thị trấn và quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, 23 khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác riêng, tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương trong khi giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng.
Đốt rác
Theo Waste Atlas, Nhật Bản xả tổng cộng 45.360.000 tấn rác mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn rác như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải dựa vào giải pháp khác là đốt rác.
Nhận Bản sử dụng đốt bằng tầng sôi, phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy. Rác thải sau khi phân loại cẩn thận sẽ được treo bên trên lớp đệm tro nóng sủi bọt để những luồng khí nóng thổi qua, giúp truyền nhiệt nhanh và thúc đẩy các phản ứng hóa học diễn ra.
Phương pháp xử lý chất thải rắn bằng nhiệt trên có nhiều lợi ích hơn so với các hình thức đốt rác khác như rẻ, chiếm ít diện tích, sản sinh ít nitơ oxit (NO) và lưu huỳnh dioxit (SO2) hơn, đồng thời cho phép sản xuất điện từ nhiệt lượng sinh ra trong quá trình đốt. Công nghệ này giúp Nhật Bản xử lý tới 69% tổng lượng rác thải mỗi năm, và được phổ biến rộng rãi với các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Tái chế
20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET). PET là vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước Nhật. Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.
Lấn biển bằng rác để tạo thêm đất
Nhật Bản ứng dụng công nghệ lấp biển bằng đá nặng, xi măng, bụi và rác để tạo thêm đất mới. Cả hai sân bay quốc tế là Chūbu Centrair (gần Nagoya) và Kansai đều xây trên những hòn đảo nhân tạo bồi lấp từ rác. Tại Tokyo, chính quyền thành phố cải tạo 249 km2 đất dọc vịnh Tokyo bằng các bãi rác.
Xem thêm: Thành phố Nhật Bản biến rác sinh hoạt thành xi măng
Phương Hoa