Trận chung kết diễn ra khá gay cấn giữa một bên là “cường quốc chế tạo robot” và một bên là chủ nhà đang hừng hực khí thế cùng khát khao chiến thắng. Với chiến thuật gần giống nhau, cả hai đội đã cống hiến cho các cổ động viên và khán giả một màn trình diễn đẹp mắt.
Tuy nhiên, với ưu thế kỹ thuật, Nhật Bản đã nhanh chóng áp đảo được Trung Quốc. Robot điều khiển bằng tay của Nhật tỏ ra hiệu quả hơn, robot tự động của họ cũng nhanh hơn, hoạt động ổn định hơn. Tỷ số nhích dần lên cho Nhật Bản. Các CĐV đội chủ nhà trên sân thi đấu trường Đại học Beihang (Bắc Kinh) gần như nghẹt thở khi đồng hồ báo kết thúc trận đấu. “Một trận đấu gay cấn và hấp dẫn”, một du học sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại Hàn Quốc cho biết.
Ngoài đội chủ nhà đoạt cúp vô địch, Ban tổ chức còn trao các giải phụ như Giải kỹ thuật tốt nhất (Thái Lan), Giải thiết kế đẹp nhất (Indonesia), Giải ý tưởng tốt nhất (Malaysia)…
Đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon châu Á - Thái Bình Dương năm nay là đội BKCBG1 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các thành viên của BKCBG1 cho biết: “Chúng tôi tôn trọng tinh thần chơi đẹp để giành chiến thắng thuyết phục. Chúng tôi tin tưởng rằng tham gia vào cuộc thi Robocon sẽ mang lại tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước tham gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ''.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã có một kỳ thi không may mắn khi ở vòng đấu bảng, họ gặp ngay đội chủ nhà Trung Quốc trong trận đầu tiên. Thêm vào đó là những "sự cố" khó hiểu liên tiếp xảy ra. Đội phó Cao Thế Phong cho biết: "Tinh thần của đội hiện vẫn rất tốt, 'thắng không kiêu, bại không nản'. Điều quan trọng nhất là đội đã thực hiện được điều mà đội đặt ra từ đầu, đó là để lại hình ảnh thật đẹp về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế".
(Theo Tuổi Trẻ)