Số kinh phí này được Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, theo thỏa thuận hỗ trợ dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K ký sáng 28/5. Dự kiến một số máy móc thiết bị y tế hiện đại được mua sắm từ nguồn viện trợ này, như hệ thống máy PET/CT, SPECT/CT, máy cộng hưởng từ 3.0 tesla, máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, máy chụp mạch số hóa xóa nền một bình diện, máy chụp cắt lớp vi tính 4 chiều có chức năng mô phỏng, máy chụp X-quang kỹ thuật số, hệ thống máy nội soi... Đây đều là trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ung thư của người dân.
Dịp này, cơ sở 3 Quán Sứ của Bệnh viện K cũng hoạt động trở lại sau 5 năm khởi công cải tạo. GS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết ban đầu nguồn vốn chỉ vốn chỉ đáp ứng xây cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo viện phải xin các nguồn hỗ trợ trang thiết bị, dự kiến 1.200 tỷ đồng. Ngoài 300 tỷ đồng do Chính phủ Nhật viện trợ, Chính phủ cũng hỗ trợ bệnh viện 790 tỷ đồng để mua các thiết bị về xạ trị.
"Trang thiết bị hiện đại giúp nâng cao năng lực chẩn đoán, khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở Quán Sứ, giảm tải cho các cơ sở khác của bệnh viện", GS. Quảng nói, thêm rằng dự án đầu tư kéo dài năm 2024-2026, nhưng hy vọng giữa năm sau đã trang bị đủ máy móc.
Với những thiết bị trên, cơ sở Quán Sứ có 200 giường nội trú và 120 giường điều trị ban ngày, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh khoảng 1.000 ca mỗi ngày.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá đây là dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh ung bướu của ngành y tế trong bối cảnh tỷ lệ tử vong đang chuyển dịch từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Những năm qua, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tăng rất đáng lo ngại. Năm 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới ung thư, hơn 120.000 người tử vong. Nhu cầu khám chữa bệnh ung thư ngày càng tăng cao.
Bệnh viện K có ba cơ sở khám chữa bệnh gồm Quán Sứ, Tam Hiệp và Tân Triều, hơn 2.000 nhân viên y tế làm việc. Đây là bệnh viện tuyến cuối ở miền Bắc chuyên điều trị bệnh ung bướu.
Lê Nga