Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 28/5 cho biết tài sản nước ngoài ròng (NFA) của quốc gia này đã lên kỷ lục 471.300 tỷ yen (3.000 tỷ USD) trong năm 2023, tăng 12% so với năm 2022. Đây là năm thứ 6 liên tiếp số liệu này đi lên.
Con số này cũng củng cố vị trí của Nhật Bản là chủ nợ quốc gia lớn nhất thế giới. Họ đã giữ vị trí này hơn 30 năm. Theo sau là Đức với NFA 454.800 tỷ yen và Trung Quốc với 412.700 tỷ yen, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết.
NFA được tính bằng lượng tài sản mà chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nhật sở hữu ở nước ngoài trừ đi số tài sản ở Nhật Bản mà người nước ngoài nắm giữ. Năm ngoái, tổng tài sản nước ngoài là 1,4 triệu tỷ yen và nợ nước ngoài là 1 triệu tỷ yen.
Nguyên nhân chính khiến NFA tăng là doanh nghiệp Nhật Bản tăng đầu tư vào các nước như Mỹ, Australia. Thị trường chứng khoán nước ngoài đi lên cũng hấp dẫn người Nhật. Bên cạnh đó, đồng yen mất giá lại làm tăng giá trị tài sản nước ngoài khi quy đổi ra nội tệ.
Yen Nhật thời gian qua liên tiếp lập đáy 34 năm so với USD. Hiện tại, mỗi USD đổi được 156,8 yen. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm hồi tháng 3, nhưng vẫn chần chừ tăng lãi thêm, do nền kinh tế còn dễ tổn thương. Lãi suất âm là lý do chính khiến yen mất giá vài năm qua.
Kinh tế Nhật Bản gần đây nhận nhiều tin tức kém lạc quan. Quý trước, GDP nước này tăng trưởng âm, chủ yếu do tiêu dùng nội địa yếu. Lạm phát lõi tháng 4 cũng tăng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp.
Giới chức Nhật Bản kỳ vọng việc được tăng lương và giảm thuế thu nhập (bắt đầu từ tháng 6) sẽ giúp tiêu dùng tăng trở lại.
Hà Thu (theo Reuters, NHK)