Hạm đội Hoa Đông của Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Navy.81.cn |
"Trung Quốc, trên cơ sở sức mạnh quốc gia đang gia tăng và sự cải thiện về năng lực quân sự, đang ngày càng có những hành động gây hấn với các nước láng giềng mà không hề e ngại", báo cáo mang tiêu đề Đánh giá Chiến lược Đông Á có đoạn.
Báo cáo trên, do Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản công bố, là nghiên cứu chung thường niên do Bộ Quốc phòng Nhật Bản ủy nhiệm và có ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng quốc gia.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo xấu đi kể từ hồi tháng 9, khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp giữa hai nước Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo không người sinh sống nhưng tọa lạc tại nơi được cho là giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược nằm ở biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Đây là nơi đã chứng kiến những cuộc đối đầu của tàu thuyền và máy bay hai nước trong suốt nhiều tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trước cả động thái quốc hữu hóa đảo của Toyko.
Hồi tháng một năm ngoái, Trung Quốc đã xếp loại Senkaku/Điếu Ngư vào hàng "lợi ích cốt lõi", bên cạnh Tây Tạng và Đài Loan, động thái cho thấy nước này sẽ không bao giờ lùi bước trong vấn đề chủ quyền, báo cáo cho biết.
Không chỉ quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản đang diễn biến phức tạp, mà Nga, đối tác chiến lược của Bắc Kinh, cũng đang trở nên lo lắng trước sức mạnh ngày một tăng của nước láng giềng.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Nga làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, quan hệ chiến lược Nga-Trung thực tế phức tạp hơn nhiều so với bề ngoài, báo cáo nhận định.
"Một quan hệ cân bằng khó thể được duy trì khi GDP của Trung Quốc gấp hơn 4 lần GDP của Nga", báo cáo bổ sung. Sự bất cân này đang dẫn Moscow đến khả năng làm vực dậy mối quan hệ mong manh với Nhật Bản.
"Tại các hội nghị thượng đỉnh song phương và hội nghị các ngoại trưởng gần đây giữa Nga và Nhật Bản, Moscow liên tục yêu cầu Tokyo hợp tác về các vấn đề an ninh, nhất là an ninh hàng hải", báo cáo viết.
"Sự thừa nhận rằng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trên biển sẽ tiếp tục mở rộng về phía bắc trong tương lai gần là một nhân tố thúc đẩy Nga tìm kiếm hợp tác với Nhật Bản và Mỹ".
Anh Ngọc