
Một chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi tin rằng không có chút chính xác nào trong những khẳng định của Trung Quốc, cho rằng chiến đấu cơ Nhật Bản áp sát máy bay Trung Quốc ở khoảng cách 30 m và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chuyến bay", Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Trung Quốc hôm qua nói hai phi cơ F-15 của Nhật Bản theo đuôi một máy bay Tu-154 của Trung Quốc, "ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay" nước này. Bắc Kinh còn đăng tải một đoạn video được cho là hình ảnh vụ đối đầu lên website Bộ Quốc phòng.
"Các phi cơ (trong video) là loại khác", ông Suga khẳng định. Tokyo hôm qua đã phản đối cáo buộc của Bắc Kinh và yêu cầu Bắc Kinh gỡ bỏ đoạn video. Ông Suga còn nhắc lại đề nghị thiết lập một cơ chế liên lạc khẩn cấp giữa hai nước để có thể giải quyết các tình huống khủng hoảng.
Nhật Bản hôm 11/6 tố hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc "áp sát bất thường" một máy bay trinh sát của Nhật Bản với khoảng cách chỉ 30 m, trên khu vực hai nước có tranh chấp ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này, đồng thời tố ngược lại rằng Tokyo đưa thông tin sai lệch.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng Nhật Bản tố Trung Quốc về hành động tương tự. Hôm 24/5, cũng trên biển Hoa Đông, hai chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF).
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Bắc Kinh cuối năm ngoái đơn phương tuyên bố thiết lập vùng ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm lên một số đảo tranh chấp với Tokyo. Hai nước tăng cường tuần tra bằng tàu cũng như máy bay quân sự để khẳng định những tuyên bố lãnh thổ. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chiến đấu cơ của nước này năm ngoái cất cánh 415 lần để ứng phó với máy bay Trung Quốc, tăng 36% so với năm 2012.
Như Tâm