Theo AFP, cơ quan an ninh mới này sẽ đặt dưới sự chỉ đạo của thủ tướng. Với tư cách là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, Chánh Văn phòng nội các, bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng sẽ có quyền đưa ra những quyết sách trung và dài hạn trên lĩnh vực đối ngoại cũng như an ninh quốc gia.
Quyết định này của Quốc hội Nhật Bản tăng cường thêm quyền lực của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông lên cầm quyền tháng 12/2012, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng xoay quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc trước đó cũng tuyên bố thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản nước này. Mặc dù chi tiết về cơ cấu của cơ quan này chưa được công bố, giới học giả Trung Quốc cho rằng đây là phiên bản phỏng theo mô hình Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), với quyền hạn bao gồm cả an ninh trong nước và chính sách đối ngoại.
Trung Quốc lập cơ quan an ninh đầy quyền lực
Tại Mỹ, NSC có chức năng cung cấp cho tổng thống những kiến nghị trên lĩnh vực an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, phối hợp hoạch định chính sách với các cơ quan chính phủ khác.
Hội nghị của NSC do tổng thống chủ trì, với sự góp mặt của phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Tài chính. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là cố vấn quân sự, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) là cố vấn tình báo của NSC.
Đức Dương