Đây là mức tăng trưởng đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm. Nếu so với quý trước, GDP Nhật Bản tăng 5%, mạnh hơn dự báo, đồng thời kéo nước này ra khỏi suy thoái.
21,4% cũng là mức tăng mạnh nhất của Nhật Bản kể từ năm 1968, đánh dấu quý tăng đầu tiên trong 4 quý gần nhất. Quý trước, GDP nước này giảm tới 28,8%.
GDP Nhật Bản tăng kỷ lục nhờ xuất khẩu và tiêu dùng được cải thiện, cho thấy nền kinh tế này đang gượng dậy sau các tổn hại từ đại dịch. Tiêu dùng cá nhân – chiếm hơn nửa nền kinh tế này – tăng 4,7% trong quý III so với quý trước. Lĩnh vực này đã phục hồi so với quý II, do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Xuất khẩu tăng 7% nhờ nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Dù vậy, chi tiêu vốn lại giảm 3,4%, giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Việc này cho thấy bất ổn quanh vấn đề đại dịch vẫn đang đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp.
Nhiều nhà kinh tế dự báo đà phục hồi của nước này sẽ chậm lại, do tiêu dùng vẫn yếu và số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng tại cả Nhật Bản và trên thế giới. "Nền kinh tế này đang hồi phục từ đáy quý II. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng trở lại tại Nhật Bản và châu Âu cho thấy tốc độ hồi phục trong quý cuối sẽ chậm hơn quý III", Mari Iwashita – kinh tế trưởng tại Daiwa Securities cho biết.
Bà cũng dự báo ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 có thể buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gia hạn chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, sẽ hết hạn vào tháng 3/2021.
Nhật Bản đến nay đã tung ra 2 gói kích thích với tổng trị giá 2.200 tỷ USD để xoa dịu tác động từ đại dịch. Trong đó có hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình và cho vay doanh nghiệp nhỏ. Thủ tướng Yoshihide Suga đã chỉ đạo nội các soạn thảo gói kích thích tiếp theo, do đại dịch vẫn còn kéo dài.
Bất chấp các dấu hiệu cải thiện trong vài tháng gần đây, giới phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới co lại 5,6% trong tài khóa 2020. Nhật Bản có thể mất nhiều năm mới quay về mức GDP tiền đại dịch.
Hà Thu (theo Reuters)