Số liệu công bố hôm 15/11 cho thấy GDP Nhật Bản giảm 2,1% trong quý III, lớn hơn dự báo. Trong quý II, Nhật Bản vẫn tăng trưởng 4,5%.
GDP Nhật Bản đi xuống do tiêu dùng và xuất khẩu giảm sút. Kết quả này làm phức tạp thêm nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong việc dần nới lỏng tiền tệ khi lạm phát đang tăng tốc.
Số liệu GDP cũng cho thấy lạm phát cao dai dẳng đang gây sức ép lên tiêu dùng của các hộ gia đình. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến các hãng sản xuất, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới vốn đang chậm lại.
"Khi không có cỗ máy tăng trưởng, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu kinh tế Nhật Bản tiếp tục co lại trong quý này. Rủi ro rơi vào suy thoái là không thể loại trừ. Tăng trưởng yếu có thể khiến BOJ trì hoãn việc chấm dứt lãi suất âm", Takeshi Minami - kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết.
Giới chức Nhật Bản từng kỳ vọng tiêu dùng nội địa bù đắp được nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, tiêu dùng gần như đứng yên trong quý III, sau khi giảm 0,9% quý trước đó. Số liệu này ngược với dự báo của giới phân tích là tăng 0,2%.
Đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm 0,6% trong quý III. Đây là quý thứ hai liên tiếp số liệu này đi xuống, ngược với kỳ vọng của BOJ rằng đầu tư mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng.
"Các số liệu gây thất vọng trong quý III chính là lời cảnh báo Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi đường hầm", Stefan Angrick - nhà kinh tế học tại Moody's Analytics cho biết.
Ông cho rằng việc xuất khẩu tăng, nhờ ngành xe hơi và du lịch, đã giúp củng cố tăng trưởng trong quý II. "Nhưng hiện tại, xu hướng này đã chấm dứt, làm lộ điểm yếu là nhu cầu nội địa", Angrick cho biết.
Kinh tế Nhật Bản phục hồi khá chậm sau khi mở cửa hậu đại dịch. Dù đồng yen yếu giúp các hãng xuất khẩu tăng lợi nhuận, lương lại không tăng đủ bù lạm phát. Thu nhập thực điều chỉnh theo lạm phát tại đây giảm 2,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 18 liên tiếp số liệu này đi xuống.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã liên tục kêu gọi các công ty tăng lương. Nhật Bản gần đây cũng công bố gói hỗ trợ cho người dân trong thời kỳ lạm phát. Tuy vậy, giới phân tích cũng ngờ vực các chính sách này có hiệu quả kích thích kinh tế.
Hà Thu (theo Reuters)