Ông Sotaro Nishikawa, trưởng đại diện văn phòng tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho hay, trước khi đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ muốn mở những trung tâm mua sắm và qua Jetro. "Họ muốn đặt lịch hẹn với các doanh nghiệp đang có những trung tâm thương mại như Vincom Center, Big C để hợp tác", ông chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, đại diện của công ty Meada đang làm chủ chuỗi 24 cửa hàng, siêu thị tại Nhật Bản nhận định, lĩnh vực kinh doanh siêu thị thời gian tới của Việt Nam sẽ rất phát triển khi trong quy hoạch sẽ có hàng nghìn siêu thị, do vậy ông rất kỳ vọng thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh này tại Việt Nam. Cùng ngành với Meada còn có 6 doanh nghiệp khác, họ đều chung kỳ vọng được mở rộng hoạt động kinh doanh với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh nhà hàng cũng được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Trưởng phòng quản lý kinh doanh công ty RDC Holding sở hữu chuỗi nhà hàng băng chuyền nhận xét, nhu cầu ăn uống bên ngoài của người dân Việt Nam, nhất là những đồ ăn tự chọn giàu chất dinh dưỡng ngày càng cao, do đó RDC rất hy vọng mở thêm các chuỗi nhà hàng shushi băng chuyền tại đây. Tuy nhiên, do chế biến shushi đòi hỏi những kỹ thuật riêng nên RDC hướng tới hợp tác qua hình thức nhượng quyền thương mại.
Trong lĩnh vực khách sạn, tuy chỉ có duy nhất Super Hotel song lại nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong nước. Theo ông Inahara - điều phối viên của công ty cho dự án tại nước ngoài, khác với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn khác cung cấp nhiều dịch vụ giải trí, Super Hotel chỉ chú trọng duy nhất dịch vụ ngủ cho khách hàng.
Nhận xét về loại hình khách sạn mới mẻ này, đại diện một doanh nghiệp đang làm chủ khách sạn trị giá 10 triệu USD tại khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, Super Hotel rất phù hợp với các khách sạn dành cho các chuyên gia của nhà máy FDI đến nghỉ. Do đó, qua lần làm việc với lãnh đạo Super Hotel, vị này mong muốn được hợp tác trong việc quản lý khách sạn dành cho chuyên gia tại Bắc Ninh.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc khách sạn Eden tại Hà Nội cho rằng kinh doanh như Super Hotel rất phù hợp với các doanh nghiệp dự định xây khách sạn tại các khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp nơi khách hàng cần được nghỉ dưỡng. Cũng trò chuyện với Super Hotel, ông Thắng cũng muốn học hỏi về cách phục vụ khách hàng vì người Nhật thường ít bị phàn nàn trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.
Với sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, ông Nakamura - trưởng đoàn công tác ngành dịch vụ của Jetro kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp dịch vụ của Nhật Bản đổ bộ vào thị trường Việt Nam đã được dự báo từ trước đó. Tại hội thảo Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức mới đây, lãnh đạo Công ty Brainworks Asia nhấn mạnh, từ năm 2013 trở đi sẽ có làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam, chủ yếu trong ngành dịch vụ.
Báo cáo của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, Việt Nam xếp thứ 5 về mức độ hấp dẫn các công ty Nhật Bản, chủ yếu nhờ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Trong lĩnh vực dịch vụ, Aeon - chủ chuỗi cung ứng hàng hóa nổi tiếng của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, FamilyMart cũng đã hợp tác với tập đoàn Phú Thái mở chuỗi nhà hàng tiện lợi. Ngoài ra, ngày càng nhiều cửa hàng Nhật Bản như Ashima, Kichi Kichi và SumoBBQ... có mặt ở các thành phố lớn.
Huyền Thư