Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) hôm 21/11 cho biết giới chức nước này đang cân nhắc tung ra 21.900 tỷ yen (hơn 140 tỷ USD) để giảm thiểu tác động từ việc tăng giá lên các hộ gia đình. Nếu tính cả nguồn vốn tư nhân, gói này sẽ có quy mô 39.000 tỷ yen.
Gói kích thích sẽ gồm khoản hỗ trợ 30.000 yen cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Khoản này sẽ được miễn thuế. Bên cạnh đó, các gia đình có con sẽ được hỗ trợ 20.000 yen mỗi trẻ, Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết.
Các rào cản chính với gói này đã được giải quyết, khi liên minh cầm quyền đồng ý với đảng đối lập về bản dự thảo. Gói kích thích có thể được nội các Nhật Bản phê duyệt ngày 22/11.
"Tôi không chắc liệu gói kích thích với quy mô này có cần thiết ở thời điểm hiện tại không. Vì tiêu dùng đang có dấu hiệu nhích lên và lương cũng tăng", Takayuki Sueyoshi - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết.
Trong quý III, Nhật Bản tăng trưởng 0,9%. Tiêu dùng - vốn chiếm nửa nền kinh tế này - tăng 3,6%.
Sueyoshi nhận định gói này sẽ khiến mục tiêu thặng dư ngân sách tài khóa khó khăn hơn. Hồi tháng 7, chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ đạt thặng dư ngân sách cơ bản (không tính tiền trả lãi) là 0,8 tỷ yen trong tài khóa 2025. Việc này đồng nghĩa thu thuế phải lớn hơn chi tiêu công.
Trước đây, Nhật Bản từng dùng ngân sách bổ sung (thường khoảng vài nghìn tỷ yen) để giải quyết các khoản chi khẩn cấp một lần, như thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, tình hình thay đổi từ năm 2020, khi khoản chi để đối phó đại dịch lên tới 73.000 tỷ yen.
Kể từ đó, nước này phải liên tục phát hành trái phiếu để huy động ngân sách bổ sung quy mô lớn. Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản phát hành trái phiếu trị giá gần 9.000 tỷ yen.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhiều lần cảnh báo Nhật Bản nên chi tiêu trong mức ngân sách, thay vì phát hành thêm nợ. Tổ chức này thúc giục chính phủ Nhật Bản lập lại trật tự về tài chính khi ngân hàng trung ương đã bắt đầu quá trình nâng lãi suất. Nợ công Nhật Bản hiện có quy mô gấp đôi GDP.
Hà Thu (theo Reuters)