Với chi phí 90 tỷ USD, đây có thể là tuyến đường ray đắt nhất thế giới hiện nay. Đây cũng sẽ là tuyến đường ray xuyên thành phố đầu tiên sử dụng công nghệ đệm từ, giúp nâng tàu lên vài cm so với rãnh và đạt tốc độ trên 500km mỗi giờ, gần gấp đôi so với tàu cao tốc (Shinkansen) hiện nay.
Trên Wall Street Journal, ông Hiroo Ichikawa - giáo sư tại Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng vì một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã phát triển hệ thống tàu cao tốc riêng. Vì vậy, "Nhật Bản phải chứng minh vị thế dẫn đầu của mình bằng một loại tàu mới".
Dự án được kỳ vọng thông qua năm nay và sẽ khởi công đầu năm 2015. Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe cho biết đây có thể là sản phẩm xuất khẩu kế tiếp của nước mình. Ông đã đề xuất công nghệ này với Tổng thống Mỹ - Barrack Obama để rút ngắn thời gian di chuyển từ New York đến Washington xuống còn một giờ.
Tuy nhiên, không phải người dân Nhật nào cũng có chung tầm nhìn như Thủ tướng. Những người chỉ trích cho rằng dự án này chỉ là một phần kế hoạch kích thích kinh tế của Chính phủ, sau hai thập kỷ giảm phát. Do dân số Nhật Bản được dự kiến giảm xuống 100 triệu người từ 127 triệu hiện tại, các toa tàu sẽ chỉ trống rỗng mà thôi.
Central Japan Railway (JR Central) - công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án này, thì cho rằng đường ray mới sẽ thu hút 88 triệu lượt khách mỗi năm. Trong đó có 72 triệu người chuyển từ tàu cao tốc hiện tại sang. Để tránh các chỉ trích, họ dự định tự huy động vốn cho dự án mới, dựa trên dòng tiền từ tuyến cao tốc Tokyo - Osaka hiện tại.
Tuy nhiên, vì không thể huy động đủ vốn trong một lần, hãng chia dự án thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ Tokyo đến Nagoya, hoàn thành năm 2027. Giai đoạn 2 từ Nagoya đến Osaka, hoàn thành năm 2045.
Không như tuyến cao tốc hiện tại, đi dọc bờ biển giữa Tokyo và Nagoya, tuyến tàu đệm từ sẽ chạy xuyên dãy núi Alps của Nhật Bản. Khoảng 90% tuyến này sẽ chạy qua hầm. JR Central cho biết đây sẽ là kế hoạch dự phòng nếu đường ray cao tốc dọc bờ biển bị động đất hoặc sóng thần phá hủy.
Tuyến tàu đệm từ, có tên Chuo Shinkansen, có thể giúp nhiều công ty Nhật Bản, như Mitsubishi Heavy Industries hay Nippon Sharyo nhận được các hợp đồng hấp dẫn. Chính phủ nước này cũng hy vọng tìm được nhiều người mua nước ngoài. Dù vậy, thành công từ xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc của Nhật đến nay vẫn còn hạn chế.
Nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra nghi ngờ kế hoạch thương mại hóa của JR Central, đặc biệt là sang Mỹ. Mỹ thậm chí còn chưa xây đường ray cao tốc thực sự, chứ chưa nói đến dự án tham vọng và đắt đỏ như tàu đệm từ.
Chi phí hoạt động của loại đường ray này có thể thấp hơn tuyến cao tốc, vì không có sự ma sát giữa tàu và đường ray. Tuy nhiên, chi phí xây dựng sẽ rất cao, chưa kể đến việc đào hầm xuyên núi từ Tokyo đến Osaka. "Thật khó tưởng tượng họ sẽ kiếm được tiền từ việc xuất khẩu công nghệ này", Paul Wan – nhà phân tích tại hãng môi giới CLSA cho biết.
Hà Thu