"Bất kể đó là trường hợp nào, tôi sẽ bảo vệ cuộc sống người dân và nền hòa bình của Nhật Bản. Với tư cách thủ tướng, tôi có trách nhiệm nặng nề này. Với quyết định trên, Nội các đã thông qua chính sách cơ bản về an ninh quốc gia", AFP dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo.
Thủ tướng Abe loại trừ khả năng những thay đổi này có thể khiến Nhật Bản bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài, như Afghanistan hoặc Iraq.
"Có sự hiểu sai về việc Nhật Bản sẽ tham chiến để bảo vệ một quốc gia bên ngoài", ông Abe nói. "Đó sẽ là một biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt để bảo vệ người dân. Chúng tôi sẽ không sử dụng quân lực để bảo vệ các lực lượng bên ngoài. Sẽ không có thay đổi nào trong các nguyên tắc cấm điều quân ra nước ngoài của Nhật Bản".
Cuộc họp báo diễn ra sau khi Nội các Nhật Bản thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm quân đội tham chiến ở nước ngoài từ sau Thế chiến II. Đây là sự chuyển động đáng kể khỏi chính sách hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Theo Japan Times, chính sách mới nhấn mạnh vào việc Nhật Bản duy trì lập trường theo định hướng phòng vệ và tiếp tục đi theo con đường của một quốc gia hòa bình, tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao.
Theo ba tiêu chuẩn mới về việc sử dụng quân lực, Nhật Bản có thể hỗ trợ một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công, sự tấn công đó tạo ra mối đe dọa rõ ràng tới cuộc sống, tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật Bản. Việc sử dụng quân lực được giới hạn ở mức cần thiết tối thiểu.
Việc nới lỏng chính sách quân sự nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh có hiệp ước an ninh với Mỹ như Australia, Philippines nhưng khiến những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc giận dữ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay yêu cầu Nhật Bản tôn trọng sự quan ngại từ các quốc gia trong khu vực. Bắc Kinh cũng sẽ "đề cao cảnh giác với các ý định thực sự của Nhật Bản". Seoul thừa nhận phòng vệ tập thể là một quyền quốc gia của Tokyo nhưng không chấp nhận việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) can thiệp trong một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên mà không có đề nghị trực tiếp từ Hàn Quốc.
Như Tâm