Tên lửa H-2A của Nhật chở trạm đổ bộ SLIM và kính viễn vọng không gian XRISM cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima vào 6h42 ngày 6/9 theo giờ Hà Nội, muộn hơn 10 ngày so với dự kiến ban đầu do vấn đề thời tiết, theo Space.
Cả hai tàu được triển khai theo đúng lịch trình trong chưa đầy một giờ sau khi cất cánh. Nếu tất cả diễn ra như kế hoạch, sau vài tháng nữa, SLIM (Trạm nghiên cứu Mặt Trăng thông minh) sẽ tìm cách hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng lần đầu tiên, mở đường cho nhiều nhiệm vụ tham vọng hơn. Theo Cơ quan Khám phá Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), SLIM hướng tới thử nghiệm hệ thống thăm dò siêu nhẹ trên quy mô nhỏ và sử dụng công nghệ hạ cánh chuẩn xác cần thiết cho những tàu thám hiểm Mặt Trăng tương lai.
SLIM là tàu vũ trụ nhỏ, cao 2,4 m, dài 2,7 m và rộng 1,7 m. Khi cất cánh, tàu có trọng lượng 700 kg, nhưng nhiên liệu chiếm khoảng 70% cân nặng. SLIM sẽ bay theo lộ trình dài tiết kiệm nhiên liệu, dự kiến tới quỹ đạo Mặt Trăng sau 3 - 4 tháng nữa. Tàu sẽ quan sát bề mặt Mặt Trăng trong một tháng trước khi tiếp đất bên trong miệng hố Shioli Crater, hố va chạm rộng 300 m nằm ở 13 độ vĩ nam, qua đó thử nghiệm công nghệ hạ cánh chính xác.
"Thông qua tạo ra trạm đổ bộ SLIM, chúng ta có thể hạ cánh ở vị trí mong muốn thay vì vị trí dễ tiếp đất. Bằng công nghệ này, con người có thể đặt chân lên những hành tinh thậm chí khan hiếm tài nguyên hơn Mặt Trăng", JAXA cho biết.
SLIM cũng mang theo hai tàu thăm dò mini, giải phóng trên bề mặt Mặt Trăng sau khi hạ cánh. Bộ đôi tàu mini sẽ giúp đội điều khiển nhiệm vụ theo dõi tình trạng của trạm đổ bộ lớn hơn, chụp ảnh khu vực hạ cánh và cung cấp hệ thống liên lạc trực tiếp với Trái Đất.
Trước đó, trạm đổ bộ Hakuto-R của công ty tư nhân Hakuto-R ở Tokyo cũng tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng nhưng đâm xuống bề mặt trong quá trình hạ cánh vào tháng 4 năm ngoái. Do đó, thành công của SLIM sẽ là một cột mốc lịch sử. Cho tới nay, chỉ có 4 quốc gia từng đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ hoàn thành mục tiêu vào tháng trước khi nhiệm vụ Chandrayaan-3 đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng.
Ngoài SLIM, tên lửa đẩy còn chở tàu vũ trụ XRISM (Nhiệm vụ chụp ảnh và phổ học tia X), dự án hợp tác giữa JAXA, NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Kính viễn vọng này sẽ nghiên cứu vũ trụ theo ánh sáng tia X năng lượng cao. Đài quan sát sẽ đặc biệt tập trung vào khí siêu nóng xung quanh cụm thiên hà. JAXA thiết kế XRISM để phát hiện ánh sáng tia X từ khí siêu nóng, giúp các nhà thiên văn học đo tổng khối lượng của hệ thống thiên hà, qua đó hé lộ thông tin về quá trình hình thành và tiến hóa của vũ trụ.
An Khang (Theo Space)