Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 31/7 thông báo nâng lãi suất tham chiếu lên quanh 0,25%, từ mức 0-0,1% trước đây. Quy mô mua lại trái phiếu sẽ giảm dần, từ 6.000 tỷ yen mỗi tháng hiện tại xuống còn 3.000 tỷ yen (19,6 tỷ USD) quý I/2026.
BOJ giải thích lãi suất tăng do họ nhận thấy việc tăng lương được thực hiện trên diện rộng và doanh nghiệp sẽ tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù vào chi phí nhân công. "Do lạm phát thực vẫn ở mức thấp, BOJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ để nền kinh tế và giá đi đúng mục tiêu", thông báo viết.
Trong dự báo triển vọng kinh tế hôm 31/7, BOJ giữ nguyên kỳ vọng lạm phát quanh 2% từ nay đến tài khóa 2026. Tăng trưởng GDP năm nay có thể khoảng 0,5-0,7%, giảm so với dự báo tháng 4 là 0,7-1%.
Động thái thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản trái ngược với hàng loạt nền kinh tế lớn khác. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều được dự báo giảm lãi suất trong phiên họp tháng 9.
"Bất chấp tiêu dùng trì trệ, quan chức tài chính Nhật Bản đã gửi đi tín hiệu quyết đoán khi nâng lãi suất và giảm quy mô mua lại trái phiếu. Lạm phát tăng sẽ mở đường cho BOJ tiếp tục nâng lãi lần nữa vào đầu năm tới", Fred Neumann - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC nhận định.
Đồng yen đã tăng 0,8% so với USD sau động thái của BOJ, hiện lên 151,5 JPY một USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng nước này bật tăng, do nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận của các nhà băng được cải thiện khi lãi suất lên cao.
Đây là lần thứ hai trong năm nay BOJ nâng lãi suất. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, BOJ nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Họ cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), vốn được áp dụng từ năm 2016 nhằm giữ trần lãi suất dài hạn quanh 0%.
Hà Thu (theo Reuters)