BOJ cũng sẽ giữ nguyên chương trình nâng lượng tiền cơ sở thêm 60.000 - 70.000 tỷ yen (723 triệu USD) mỗi năm. Các quyết định của cơ quan này đều trùng với dự đoán của giới phân tích.
Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ 3,6% trong quý II so với cùng kỳ. Quá trình phục hồi tại nước này đang tương đối bền vững, nhờ các chính sách kích thích tài khóa, tiền tệ và hạ giá đồng yen. Tuy vậy, kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) vào tháng 4 tới có thể sẽ gây sức ép nới lỏng lên BOJ, khi các cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ lo ngại về tác động của việc này lên tăng trưởng.
Masamichi Adachi, nhà kinh tế cấp cao tại JPMorgan Tokyo cho biết: "Chẳng có lý do gì để BOJ phải hành động, khi tốc độ tăng trưởng vẫn rất mạnh và Nhật Bản thậm chí còn lạm phát trong tháng 6". Theo Adachi, tiêu điểm lớn nhất hiện nay là nhận xét của giới phân tích về quyết định của Kuroda và những bình luận của ông về chính sách thuế.
BOJ cũng đang xem xét về việc liệu dòng vốn họ bơm đổ ra thị trường có thúc đẩy các hoạt động kinh tế hay không. Một khảo sát của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản cho thấy các công ty lớn dự tính tăng đầu tư 10,3% trong năm tài chính này, tăng mạnh so với chỉ 2,9% năm ngoái.
Tuy nhiên, theo số liệu được Bộ thương mại Nhật Bản công bố hôm qua, chỉ số đo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước này đã giảm 12,1% trong tháng 6, sau khi giữ nguyên trong tháng 5. Những dữ liệu trái chiều đã khiến giới chức Nhật Bản muốn theo dõi thêm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dấu hiệu tăng lương và sự ổn định của thị trường việc làm.
BOJ cũng nâng đánh giá triển vọng kinh tế Nhật Bản tháng 7 lên cao nhất từ đầu năm. Koichi Hamada, cố vấn chính sách tiền tệ của Thủ tướng Abe, cho biết ông Kuroda nên chuẩn bị nới lỏng nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng vì tăng thuế. Một cố vấn kinh tế khác, Etsuro Honda, cũng tiết lộ các nhà làm luật đang lưỡng lự về vấn đề này.
Thùy Linh (theo Bloomberg)