Để nói một chút về thất bại của đội tuyển Nhật Bản, hãy nói một chút về… Luka Modric. Đội trưởng tuyển Croatia thừa nhận anh đá hỏng quả 11 mét trong hiệp phụ trận đấu với Đan Mạch vì đã nghiên cứu quá kỹ Kasper Schmeichel. Anh xem băng ghi hình, có chuyên gia số liệu và phân tích ngồi kế bên. Và khi áp dụng nguyên lý ấy vào quả 11 mét, Modric... sút hỏng. Anh đá theo thói quen của Kasper Schmeichel, nhưng trong tình huống cụ thể ấy, thủ môn Đan Mạch… đổi thói quen. Cơ hội vào tứ kết của Croatia suýt nữa tan theo dòng nước vì các con số thống kê và những đoạn video.
Rồi trận đấu bước vào loạt sút luân lưu cân não. Modric, trên tư cách là một thủ quân, đã quyết định sẽ đá quả thứ ba. Một quả sút cứu chuộc, và liều lĩnh. Bởi vì nếu thất bại một lần nữa, Modric sẽ là tội nhân thiên cổ. Nhưng Modric vẫn bước lên, nếu không cú đá hỏng trong hiệp phụ kia sẽ ám ảnh anh suốt đời. Modric rất căng thẳng, đành liều mạng sút vào giữa, vì không dám chọn một trong hai góc nữa. Và Modric đã thành công với sự liều mạng ấy. Croatia cũng vượt qua Đan Mạch sau loạt đấu súng cân não và ngập tràn cảm xúc.
Bóng đá sống được chính là bởi những cảm xúc và những câu chuyện. Khi chúng ta yêu bóng đá, ta yêu mái tóc đuôi ngựa của Roberto Baggio, yêu những pha dốc bóng xé gió của Ronaldo, những cú sút phạt trái phá của Roberto Carlos, yêu nụ hôn dễ thương của Laurent Blanc lên đầu Fabien Barthez. Ta buộc chặt cảm xúc của mình vào một đội bóng, vì cái đầu đổ máu của Luis Enrique, vì một cú xoạc bóng đẹp như mơ của Paolo Maldini hay một cú sút nhẹ hều vừa đủ của Romario. Trong cái tuổi thơ tươi đẹp ấy, ta quan tâm gì anh tiền vệ này chuyền bao nhiêu đường chuyền chính xác, hậu vệ kia tung ra bao nhiêu quả xoạc, hay một tiền đạo chạy bao nhiêu quãng đường.
Khoa học thể thao, những con số, những phân tích, và mới đây nhất, VAR đã biến bóng đá thành một trò chơi của những toan tính. Mỗi trận đấu bóng đá trở thành những ván cờ, những màn tiến thoái trở thành khoa học, nó ít nhiều đã giết chết sự tự do nguyên bản của môn thể thao này.
Cầu thủ giờ không còn dám gắp quả bóng nhảy tưng tưng như Cuauhtémoc Blanco, chẳng dám vê quả bóng dưới chân như Jay-Jay Okocha, để nghe những khán đài Nigeria vang lên tiếng gầm: “Jay Jay, anh đá hay đến mức phải gọi tên anh hay lần”. Khi những đôi giày ngày một nhiều màu sắc, thời trang tóc và hình xăm ngày càng nở rộ, thì tư duy của các cầu thủ lại bị cầm tù bởi những chỉ đạo chiến thuật. Họ chỉ còn yêu chiến thắng, chứ không còn yêu trái bóng nữa.
Với những thông kê chi tiết được cập nhật nhanh, giới chuyên môn dễ nhận định một cầu thủ nào đó chơi hay, vì anh ta đã thực hiện hơn 100 đường chuyền, với tỷ lệ chính xác 90%, hoặc cắt bóng bốn lần, thành công 100% trong không chiến. Họ vin vào đó, với quan điểm con số không biết nói dối. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Tây Ban Nha thực hiện hơn 1.000 đường chuyền, lập kỷ lục World Cup, nhưng thứ bóng đá họ chơi thì vô nghĩa, vô cảm xúc. Javier Mascherano chuyền chính xác 95%, nhưng nó có ý nghĩa gì đâu khi đấy đều là những đường chuyền ngang và chuyền về cho thủ môn. Một cầu thủ chạy 11 km, nhưng chạy… để làm gì? Anh ta có chạy đúng không, có tạo ra khoảng trống không hay chỉ chạy để không mang tiếng là lười biếng.
Trong cuốn tiểu thuyết bất hủ mang tên “Hoàng tử bé”, nhân vật chính có nói: "hãy kể cho trẻ con nghe một câu chuyện, nhưng hãy nói với người lớn về những con số". Người lớn thường không đủ kiên nhẫn để nghe đến hết một câu chuyện. Họ quên mất bản thân cũng từng là… một đứa trẻ.
Bóng đá Nhật Bản chỉ được thành hình từ cách đây 50 năm. Mãi đến cuối năm 1990, họ mới trình làng giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên. Nhật Bản mất thêm 12 năm để đăng cai World Cup, và họ cũng chỉ cần chừng ấy thời gian để vươn mình trở thành cường quốc bóng đá châu Á, là gương mặt thường xuyên góp mặt ở vòng 1/8 World Cup.
Nhân vật truyền cảm hứng để bóng đá Nhật chuyển mình là một cậu bé 11 tuổi: Tsubasa Oozora. Đấy là một nhân vật truyện tranh, sản phẩm sáng tạo của họa sĩ Yoichi Takahashi. Khi Takahashi nghĩ ra nhân vật Tsubasa vào cuối thập niên 1970, nước Nhật còn mê cuồng sumo và bóng chày. Ước mơ làm cho bóng đá phổ biến hơn ở nước nhà, Takahashi gõ cửa khắp các nhà xuất bản để có thể in được Tsubasa. Để rồi khi Tsubasa ra đời, bóng đá bùng nổ trên toàn nước Nhật. Trẻ em cất gậy bóng chày, giục bố mẹ mua giày đá bóng.
Sau ba thập kỷ, Tsubasa trở thành một trong những nhân vật truyền cảm hứng lớn nhất trên toàn cầu. Nhờ đọc Tsubasa, mà Andres Iniesta, Alessando del Piero, Fernando Torres, Thierry Henry, Gennaro Gattuso… đều đã quyết tâm phải trở thành cầu thủ và phải vô địch thế giới, như… Tsubasa từng làm được. Những cầu thủ vừa nêu có điểm chung là gì? Họ không nghèo. Họ không xem bóng đá là phương tiện thoát nghèo. Chỉ vì yêu Tsubasa, nên họ hiểu rõ tinh thần của Tsubasa: sống để đá bóng, chứ không đá bóng để sống.
Takahashi nói về quyết định chọn bóng đá, thay vì bóng chày cho bộ manga đầu tay của ông: "Tôi yêu bóng đá vì sự tự do. Khi còn nhỏ, tôi chơi bóng chày và luôn chịu áp lực phải chơi theo HLV. Bạn không được phép tự do hay sáng tạo. Nhưng trong bóng đá, bạn lại được chơi theo ý mình, trong khuôn khổ chiến thuật cho phép. Bóng đá rất gần nghệ thuật ở cái tư tưởng tự do ấy".
Và Nhật Bản, trong trận đấu thuộc vòng 1/8 World Cup với Bỉ hôm 2/7, đã không phản bội lại tinh thần tự do ấy. Họ đến với môn thể thao này với khát vọng tự do và thẩm mỹ. Họ sống với tinh thần mà Tsubasa đã nói: "Quả bóng là bạn". Gọi họ là ngây thơ cũng được, là võ sĩ đạo mổ bụng giữa nước Nga cũng được, nhưng giọt nước mắt của những hậu duệ Tsubasa nhắc nhở chúng ta một điều: thế giới này đã thay đổi quá nhiều, bóng đá đã thay đổi quá nhiều hay chính chúng ta cũng thay đổi quá nhiều.
Giữa cơn lốc thực dụng, bóng đá vẫn còn có Luka Modric, còn có thất bại… dễ thương của Nhật, để khiến người xem vẫn còn có lý do để run rẩy, rưng rưng. Đấy là thứ cảm xúc chân, thiện, mỹ đã khiến chúng ta yêu mê muội môn thể thao này, chứ nào phải những con số thống kê vô hồn và khô khan ngoài kia.
Hoài Thương